Search

Phẩm Vật Cúng Dường Cao Quý

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Điểm hẹn của những ai có nhân duyên.

Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành vào trực tiếp một câu chuyện về Phật giáo. Thông thường ở đời chúng ta làm gì đều muốn cho nó kềnh càng rồi muốn cho lớn. Có những chuyện mà khó chịu lắm, khi ta tới chùa chúng ta cúng dường đó thì ai cũng muốn phô trương số lớn của mình, điều đó làm cho những người nghèo họ tủi. Rồi hình như chúng ta bị tâm phân biệt tạo thành. Này là chùa nhà giàu, kia là chùa nhà nghèo, chùa bình dân, chùa đại gia, chùa này chùa kia… Bởi chùa đại gia toàn là đại gia tới cúng dường nhiều xây dựng chùa to tượng Phật lớn. Còn chùa nhà nghèo thì vách đất mái tranh thoang thoảng vị hương cỏ, chẳng có hương trầm dâng lên cho Phật. Cứ phân biệt như vậy và sự cúng dường trong tam bảo cũng bị phân biệt dữ lắm. Nó phân biệt đến mức mà nó có định giá của cuộc đời – Ngôi chùa này tới thì phải cúng dường nhiêu đây mới đủ, cầu siêu phải trả từng này tiền, cầu an là phải trả từng đây tiền, anh tới chùa này anh muốn gặp trụ trì anh phải đưa từng đây tiền… Nó trở thành chân lý mặc định trong cuộc sống ở tôn giáo. Nó có cái giá tương ưng để làm từng việc một, từ cầu an cầu siêu, đi ma chay cúng kiếng giỗ chạp thì có giá hết. Rồi một sư thì bao nhiêu tiền, 2 sư bao nhiêu tiền, chẩn tế 10 sư bao nhiêu tiền … Nó có giá trị mà mỗi một con người ngày nay nghĩ tôn giáo được đặt vào giá trị của đồng tiền tương ưng với công việc, tinh thần đi sau tiền bạc đi trước. Thói quen đó làm cho chúng ta nghĩ rằng khi tới chùa để có phước báu nhiều hay ít là phải cúng dường nhiều hay cúng dường ít. Số nhiều và số ít đó nó thể hiện về mặt là có phước báu nhiều hay không. Câu chuyện Phật giáo kể:

Ngày xưa có một đứa nhỏ – còn trẻ nhỏ, ngây thơ và một hôm nó thấy Phật đi ngang, nó không có gì để cho ông Phật mà trong lòng nó muốn cho ông Phật cái gì đó. Còn nhỏ đâu biết nói đến chuyện cúng dường, nói cho là được rồi – cho tức là tặng, hiến tặng, trao cho nhau mà mỹ từ ngày nay trong Phật giáo gọi là cúng dường. Chứ đối với tâm của một đứa trẻ chữ cúng dường làm sao nó hiểu, hiểu biết đơn thuần của nó là nó thấy ông Phật tới là nó muốn cho ông Phật cái gì đó. Nhưng là trẻ thơ nó đâu có gì đâu để cho, nó đang chơi cát ở đằng trước nhưng Phật đang tới, nó mới nghĩ và nó mới đắp một cái nhà trông rất đẹp, một bức thành bằng cát. Khi Phật tới nó mới nói: Bạch Phật! Con xin tặng Phật ngôi nhà và thành bằng cát. Phật nhìn và hoan hỉ đón nhận. Chỉ thế thôi, một sự trao đi đơn thuần với phẩm chất ngây thơ trong sáng của một đứa trẻ, chẳng có một chút gì tham cầu mong muốn, chỉ muốn cho Phật và cho cái gì nó có thể có như tòa nhà và thành bằng cát và Phật cũng đón nhận bằng tâm thành của trẻ thơ đó.

Câu chuyện thật ngắn gọn. Nhưng sau này chúng ta mới hiểu rằng đứa trẻ mà Đức Phật nhận sự cúng dường đó đã tái sanh trở thành một vị vua quyền lực, giàu có, dũng mãnh vô cùng và thành công vô cùng, nhưng thành công trong chánh pháp. Tất cả những người theo đạo Phật đều nhớ tên của ông vua này, đó là ông vua A Dục. Vua A Dục trong một tiền kiếp là một đứa trẻ thơ như câu chuyện trên vừa kể, chẳng có gì tặng cho Phật hiến cho Phật, cúng dường cho Phật – bây giờ ta dùng chữ cúng dường đi – ngoài tòa lâu đài, thành quách bằng cát ở trên đất. Thế mà có đủ phước báu để tái sanh trở lại thành một vị minh vương là vua A Dục. Trong lịch sử của Phật giáo, vua A Dục chỉ có sau Đức Phật khoảng hơn hai trăm mấy chục năm, ngài đã xiển dương được Phật pháp thành công một cách thật là lớn mạnh. Tất cả những kinh sách ngày nay đều được vua A Dục đặt để các nhà sử học về kinh điển Phật giáo ghi chép lại mà chúng ta có. Nếu các bạn đi qua thăm nơi Đức Phật đản sanh, vẫn còn tồn tại một cái tháp – trụ đá là biểu tượng do vua A Dục xây dựng để tán dương Phật pháp tại đó. Vua A Dục đã xây 84 vạn các tháp lớn nhỏ để tàng chứa các kinh sách và Xá Lợi của Phật trên toàn bộ quốc độ mà vua A Dục cai quản. Thời đó vua A Dục có một đội quân hùng cường nhưng giữ được chánh pháp của Như Lai, xiển dương Phật giáo, đi tới đâu là xây chùa xây tháp mà trong đó an trú Xá Lợi của Phật và kinh sách để đời sau học được. Chúng ta đọc được kinh như ngày hôm nay trên văn tự viết bằng tạng Bali hay Shangkhit đều là nhờ công lớn của vua A Dục.

Các bạn thấy không, chỉ một sự cúng dường đơn thuần là tòa nhà bằng cát thôi mà đã có công đức vô lượng như vậy – trở thành vua. Điều đó nói lên ý nghĩa rằng mười phương Chư Phật, Đức Phật không biến chúng ta thành nô lệ để chúng ta cúng dường tiền tài cho thật nhiều vào chùa chiền, mà quan trọng chúng ta cúng dường bằng tâm thành. Bạn là đại gia, bạn có thể cúng hàng tỉ tỉ vào để xây dựng một ngôi chùa nhưng cần phải có tâm thành thì sự cúng dường đó mới tạo thành công đức và phước báu. Còn bạn là nhà nghèo không có gì, chỉ có mớ rau muống thôi, cúng dường vô chùa cũng là đại phước, cần nhất là tâm thành. Còn nếu như một đứa trẻ ngây thơ không có cát để làm nhà như ngày nay (vì đâu đâu cũng đổ xi măng hết rồi, cát đâu để mà cúng dường) nhưng chúng có thể vô chùa chạy nhảy vui đùa, cúng dường tuổi ngây thơ cho Phật cũng là phước báu vô cùng bởi tiếng cười của trẻ thơ, những bước chân ngây thơ của đứa trẻ đều là những hương hoa cao giá cúng dường cho Phật. Phẩm vật cúng dường cao quý ở chỗ là tâm thành của các bạn, không phải là giá trị của vật chất. Với tâm thành cúng dường như vậy, không đợi đến kiếp sau để làm vua như vua A Dục mà ngay trong kiếp này các bạn đang tái sanh để có được phước báu, đầy đủ những phương tiện sử dụng trong sự hiểu biết và vừa khả năng của mình để có được sự an nhiên và tự tại. Hãy cúng dường chẳng cần số lượng mà cũng đừng đặt nặng vào chất lượng. Hãy cúng dường bằng tâm thành, bằng tâm thành kính như đứa nhỏ khi nó nghe Phật tới nó đã muốn, đã hướng lòng muốn tặng cho Phật một cái gì đó rồi để khi Phật tới nó tặng cho Phật một tòa lâu đài và thành quách bằng cát. Các bạn cứ tự hỏi thử coi các bạn thực sự có muốn cúng dường hay không hay chẳng qua chỉ là sự miễn cưỡng cúng dường, ít nhiều cũng vậy mà thôi. Ngày nay chúng ta đi đây đi đó, tất cả mọi sinh hoạt của tôn giáo đều đặt để trong định mức bằng giá trị của tiền bạc và vật chất, nó đã thay đổi phong tục thói quen, nó đã tạo cho chúng ta những người theo đạo theo Phật có một truyền thống là “Tiền đi trước, tâm đi sau”. Nhưng hãy trở về với lời chân thành của Phật đi là “Tâm làm chủ các pháp”, tiền không làm chủ được. Nếu các bạn mang tiền, mang sức mạnh của sự giàu có để lấn át kẻ nghèo thì các bạn chẳng tạo được công đức đâu và nếu các bạn mang tâm tự kỷ tự ti của kẻ nghèo không có gì để không dám cúng dường với tâm thành kính thì các bạn đã làm mất cơ hội tăng trưởng phước báu trong pháp cúng dường mà Đức Phật đã truyền dạy. Không cần biết các bạn là ai – giàu có hay nghèo hèn, nếu các bạn có tâm cúng dường thì vài ngọn rau lang rau muống hay vài thứ trái cây ở nhà có được, thì đó cũng là phẩm vật cao quý cúng dường lên tam bảo. Một bông hoa trồng trong vườn cũng là phẩm vật cao giá để cúng dường. Một con người hiện diện trong ngôi chùa quét rác trong chùa thôi cũng là sự cúng dường. Chúng ta tới chùa dọn dẹp lau chùi, tụng kinh kệ, tu tập chúng ta tới bằng tâm chân thành, thì đó là phẩm vật cúng dường cao quý. Chứ còn hương hoa, hoa trái đặt đầy trên bàn thờ Phật, ông Phật đâu có hiện xuống ăn đâu. Cái tâm chân thành để sống trong chánh niệm, để tu quan trọng hơn bất cứ những phẩm vật nào khác. Dĩ nhiên ở trên đời, một thứ vật chất cần xây dựng như một ngôi chùa một tôn tượng thì vẫn tiền tải của đàn na tín thí cúng dường. Nhưng tâm cúng dường vẫn là quan trọng hơn là số lượng tiền tài vật chất chúng ta mang vào. Nói như vậy để mỗi người chúng ta biết rằng ta với người khác về sự giàu có tiền tài danh vọng và địa vị nhưng chẳng khác tâm chân thành cúng dường. Các bạn, hãy cúng dường bằng tâm chân thành, chân thật và bằng những gì mà ta có thể có như lòng của trẻ thơ, chỉ mang được tiếng cười vào sân chùa hoặc như bước chân của trẻ thơ chạy vòng quanh trong sân chùa cũng là phẩm vật vô giá cúng dường lên mười phương chư Phật. Bà lão không có gì ngoài cái chổi mang vào chùa quét rác qua lại cho sạch cũng là cúng dường. Một đọt khoai, một củ khoai củ mì mang tới chùa cũng là pháp cúng dường cao quý. Sự cúng dường 1 củ khoai và sự cúng dường 1 tỷ nó cũng bằng nhau mà thôi, tùy vào điều kiện mỗi người nhưng quan trọng là đối với tâm cúng dường thì nhà chùa sẽ ứng dụng sự cúng dường đó để làm lợi lạc cho tam bảo, để xây dựng tam bảo và để cho ta có nơi tới để tu.

     Các bạn thân mến, sự cúng dường cao quý nhất vẫn là tâm chân thật, là lòng thành kính. Để chúng ta phá vỡ được tất cả sự khác biệt về tiền tài danh vọng, địa vị và sự tự kỷ phân biệt giữa giàu-nghèo sang-hèn thì chúng ta phải thực hành đúng hơi thở chánh niệm của Phật. Các bạn trở về với hơi thở chánh niệm của Phật thì các sẽ có sức mạnh để vượt qua tất cả mọi sự tự ti chấp ngã, người giàu sẽ hoan hỉ mang tiền tới cúng dường theo khả năng và người nghèo cũng hạnh phúc mang gì có được cúng dường theo khả năng. Cái giàu cái nghèo đều bình đẳng bằng nhau bởi vì cả hai đều giàu có trong cái tâm thành kính chân thật muốn cúng dường lên mười phương chư Phật. Các bạn thân mến, câu chuyện về tiền kiếp của ông vua A Dục đã tặng Phật cái gì thì tặng phẩm đó đã trở lại với chính ông ta nhận được cho kiếp sau là một minh vương xiển dương Phật giáo cao quý vô cùng. Nếu các bạn thực hành đúng pháp cúng dường chân thật như vậy, chắc chắn ngay trong kiếp này cuộc đời của các bạn sẽ thay đổi thật nhiều, sẽ chuyển hóa được tất cả các nghiệp và còn tăng trưởng phước báu hiện tiền, để phước báu nhân thiên có được, có trí tuệ ứng dụng phù hợp “Thiểu dụng tri túc”, sống an lạc tịch tĩnh và tiếp tục nuôi dưỡng hơi thở chánh niệm trong cuộc đời của mình. Cảm ơn các bạn đã theo dõi thật nhiều.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts