Search

Học Cách Cúi Đầu

Bảo Linh đánh máy, Bảo Tịnh Minh biên tập

Cúi đầu xuống hạ mình sát đất 
Trở về không tiếp ánh tuệ như 
Buông bỏ chấp thành tâm đón nhận 
Du hành vào pháp giới tận hư 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô a di đa bà dạ. Ða tha dà đa dạ. Ða điệt dạ tha. A di rị đô bà tỳ. A di rị đa tất đam bà tỳ. A di rị đa tỳ ca lan đế. A di rị đa tỳ ca lan đa, Dà di nị, dà dà na, Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Các bạn thân mến, mới xoay qua một vòng đã tới thứ bảy. Thời gian trôi qua thật nhanh như con thoi cứ đi qua đi lại thế là một tuần đã xong rồi. Đời con người ngắn ngủi, biết bao nhiêu ngày tháng thầm lặng trôi qua. Ta không bao giờ để ý tới khi một sớm thức dậy nhìn lại những điều đang có và những điều trong quá khứ, ta mới thấy hình như cuộc đời như một cơn gió thoảng thoảng vậy mà rồi chẳng còn. Không phải ai cũng nghĩ như vậy ngoại trừ khi gặp nghịch cảnh, khi đau lòng hoặc khi vui khi buồn ta có đôi chút nghĩ lại phận của cuộc đời.

Vui vì thành công, nghĩ lại hãnh diện bởi đời đã đi đến sự thành công và rồi mường tượng đến biết bao nhiêu những điều ta đã đạt được hãnh diện lắm. Buồn vì thất bại hay nghịch cảnh ta cũng ngẫm nghĩ về cuộc đời. Hình như chúng ta luôn luôn phải suy ngẫm bởi những cảm xúc trong cuộc đời cứ lui tới lui tới, mà thực ra trong cuộc đời nếu đánh mất cảm xúc thì hết làm người rồi.

Chúng ta đôi khi sống trên đời quá mơ hồ cứ nghĩ rằng Phật, Thần, Tiên, Thánh, Bồ Tát là những bậc Giác Ngộ mất đi cảm xúc. Dĩ nhiên các Ngài không mất đi cảm xúc mà thăng hoa cảm xúc, vượt lên trên mọi cảm xúc tầm thường của kiếp người để đi tới sự cảm xúc không còn vướng mắc, không còn chấp trượt, không còn bám víu, cảm xúc của lòng Từ Bi vô tận hư không, cảm xúc của tình thương lan tỏa tới muôn người, cảm xúc của sự đồng cảm chia sẻ, nâng đỡ, dìu dắt. Đức Phật là đấng Đại Từ Đại Bi. Ngài là đấng yêu thương muôn loài muôn vật một cách bình đẳng không có đối đãi, không có phân biệt. Đức Phật yêu thương chúng ta rất nhiều.

Tình yêu thương lòng Từ Bi Đức Phật muôn đời không bao giờ tận diệt. Bởi Ngài là bậc Giác Ngộ, năng lượng tình yêu Từ Bi của Ngài bao trùm tận hư không từ đời này qua đời sau và mãi mãi. Chúng ta thường hay lý luận cùn rằng Đức Phật đã tịch diệt. Tức là Ngài đã chết thì chẳng còn gì nơi Ngài bậc Giác Ngộ lưu truyền cho hậu thế, ngoài kinh điển để khai mở con đường đi tới trí tuệ. Đúng, đều đó rất đúng nhưng không phải chỉ có trong kinh điển lưu truyền lời dạy của Phật, để chúng ta thực hành điều đó có Trí Tuệ, để vượt khổ, giải thoát, vượt mê thành giác, điều đó luôn đúng. Bởi đạo Phật là đạo Trí Tuệ, nếu không có Trí Tuệ thì chúng ta không thể thoát khổ, thoát trầm luân, thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Tuy nhiên đó là một phần, phần nữa là Đức Phật luôn luôn là đấng Đại Từ Đại Bi. Ngài là đấng có Trí Tuệ, năng lượng của Ngài bất sanh bất diệt tồn tại muôn đời và những ai có đầy đủ phước báu với lòng thành kính khiêm tốn sẽ đón nhận được tình thương của Ngài. Thân xác của Đức Phật không còn đã trở về với bụi tro tứ đại, nhưng năng lượng tình thương của Ngài bất diệt nếu bạn biết cúi đầu xuống đón nhận, biết khiêm tốn, khiêm cung thì năng lượng Từ Bi của Chư Phật luôn hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta.

Chủ đề Học Cách Cúi Đầu trong cuộc sống chúng ta phải có lúc ngẩng đầu lên và có lúc phải cúi đầu. Khi nào ngẩng thì phải ngẩng lên cho cao như đỉnh núi Thái Sơn. Dõng mãnh để vươn lên nghịch cảnh trong cuộc sống, để bước qua những chướng ngại của cuộc đời để thấy mình còn có chỗ để đi tới. Dù trong cuộc đời của các bạn có đi xuống vực sâu hoặc là leo lên núi, nhưng ít nhất trong nhiều nghịch cảnh của cuộc đời, trong nhiều chướng cản của cuộc sống hoặc trong những ước mơ điều kì vọng hoặc bạn có những tiêu chí nào đó vượt lên trên tất cả, thì các bạn luôn luôn phải ngẩng đầu lên để có một chỗ dựa vững chắc, nhìn lên núi cao đỉnh đỉnh ở trên đó để mà vươn lên.

Các bạn! Các bạn nhớ cần ngẩng thì ngẩng mà cần cúi đầu thì càng phải cúi đầu và trong cuộc sống khi chúng ta ngẩng đầu lên là tăng trưởng sức mạnh vươn lên trên mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Khi các bạn cúi đầu là rèn luyện lòng bao dung tình yêu thương và sẵn sàng cho tâm đón nhận học hỏi để khai mở Trí Tuệ. Cúi đầu là khai mở Trí Tuệ là đón nhận, là vươn lên từ trong tâm thức để vượt qua tất cả. Cúi đầu còn là một thể loại Trí Tuệ mở rộng lòng bao dung yêu thương muôn loài.

Chúng ta cần phải học cách cúi đầu. Khi các bạn leo lên đỉnh núi cao, các bạn đi dã ngoại về miền quê thăm những ngôi chùa trên núi. Nếu các bạn leo núi mà các bạn ngẩng đầu các bạn té ngay. Khi đi lên núi cao ta phải cúi đầu, để cho vững chãi. Các bạn có thể nghiệm điều đó chưa, nếu chưa đây là mùa hè Bảo Thành khuyên các bạn hãy về núi một lần. Leo núi đi và ngẩng đầu lên đi, các bạn sẽ té ngay tại chỗ, choáng váng đầu ốc té. Leo cao phải cuối đầu để cho từng bước chân vững chãi đặt xuống trên từng bậc thang lên trên đỉnh cao của núi. Đây là điều thật rõ, lên cao phải cuối đầu nếu chưa một lần trải nghiệm, theo khoa học để giữ cho cơ thể vững lên độ cao phải cúi đầu, đó là vật lý chứng minh thật rõ. Môn vật lý chứng minh điều đó. Bởi ta cúi đầu sức hút của Trái Đất và trọng tâm của cơ thể sẽ giữ được thăng bằng khi bước lên từng nấc thang lên cao. Chỉ một điểm đó thôi đã nhắc nhở chúng ta phận làm người nếu muốn lên cao trở thành Bồ Tát Thánh Hiền, trở thành Phật, nếu muốn vươn lên cao thoát khỏi cảnh đời cuộc sống, nếu muốn vươn lên để trọn lòng hiếu đạo, nếu muốn vươn lên thánh hóa cuộc đời, và muốn vươn lên để thành tựu sự hạnh phúc bình an, nhất định mỗi người chúng ta phải học cách cúi đầu, thì sự tu tập của chúng ta mới vững chãi. Cúi đầu là khiêm tốn, cúi đầu là đón nhận, cúi đầu là để vươn lên đi lên trên đỉnh còn ngẩng đầu té xuống vực sâu.

Các bạn! Các bạn suy nghĩ cho thật kĩ sẽ thấy được điều này có lý. Ta phải học cách cúi đầu. Các bạn đi theo con đường học Phật hoặc học một tôn giáo, một chân lý, một điều gì đó mới trong xã hội, hay trong chùa, trong gia đình, mối quan hệ giữa con người với con người. Khi chúng ta biết cúi đầu là biết đón nhận, biết tăng trưởng kiến thức, biết khai mở lòng bao dung rộng lớn như biển cả. Biển càng sâu nước càng nhiều, biển càng sâu cá càng nhiều sự sống càng hay. Bởi vì sao muôn điều sự sống phát sinh đa dạng nhiều dạng chính bởi vì biển thấp. Nếu biết cúi đầu thì lòng khiêm tốn và với tâm khiêm tốn ta sẽ đón nhận thật nhiều sức sống của tâm linh, tình thương của muôn người, cúi đầu xuống hạ mình sát đất.

Các bạn, trong Phật Giáo dạy cho chúng ta lạy Phật cúi đầu phục xuống sát đất. Nằm vóc sát đất, đầu, tay, chân, gối toàn thân sát xuống đất. Chẳng phải là chúng ta nhục nhã bị một thế lực mạnh nào đó đè xuống như nô lệ. Mà hành động lạy Phật cúi sát đất, cúi đầu trong đạo Phật là để tiêu diệt bản ngã cống cao ngã mạn. Tăng trưởng lòng bao dung, bồi đắp kiến thức và Trí Tuệ, tiến lên giải thoát con người khỏi kiếp trầm luân đau khổ. Các bạn học Phật, ngay từ chỗ này thôi suy niệm cho rõ sẽ thấy công dụng của nó tuyệt vời. Bất cứ một ai đó học Phật mà không biết cúi đầu hạ mình sát đất, lúc nào cũng ngẩng, cằm mình ở trên Trời chứ không phải cằm ngang xuống đất, cúi xuống đất, cằm ở trên Trời tự cao tự đại, học được một chút là khoe khoang rầm hết như vậy là ta gần đất xa trời, đang chôn vùi vào trong ngã mạn quá cao. Người học Phật, người con Phật, người Phật tử tại gia, một con người sống trong xã hội càng biết cúi đầu càng biết khiêm tốn, càng có đầy đủ kiến thức, lòng gan dạ và ý chí vươn lên để thành tựu muôn sự. Dù nghịch cảnh khó khăn, dù thử thách họ vẫn luôn luôn thành công. Bởi trí tuệ của họ mênh mông, rộng lớn như biển và họ luôn đón nhận được sự gia trì một cách đặc biệt của chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Bởi họ cúi đầu để tiến lên.

Cúi đầu xuống hạ mình sát đất
Trở về không tiếp ánh tuệ như 

Chúng ta cúi đầu xuống ta là trở về với cái không tánh không, trở về với tự tánh vô ngã của Phật. Tánh Phật là tự tánh vô ngã bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, không thêm không bớt trong ngần như Kim Cang. Chính vì chúng ta biết cúi đầu sát đất để phá vỡ bản ngã của mình là chúng ta đi lên trên đỉnh của chân lý giác ngộ mà Phật đã dạy để trở về tiếp được ánh tuệ dương. Để nhìn rõ vạn Pháp trong cuộc sống này nó sanh diệt biến đổi từng giây phút để chúng ta biết trân quý và coi trọng những ân tình đối xử với nhau. Để đừng cống cao ngã mạn, coi trời bằng vung, coi người như hạt cát. Chúng ta, Bảo Thành và các bạn thường dễ vướng vào tự cao, coi thường mọi người. Học được một chút là phô trương thân thế mà cái ta học đó cũng chỉ là những kiến thức mà thôi, chưa phải là thực chứng. Người thực chứng không dựa trên những dòng văn tự khách sáo để nói mà nói lên sự cảm nhận chứng nghiệm của chính mình. Chúng ta trên con đường đang đi rời xa bóng tối của vô minh tiếp cận với ánh tuệ như, cần phải biết cúi đầu khiêm tốn. Dù người ta có nói như xối nước vào mặt, có khen như là tặng hoa rải từ trời xuống. Ta cũng luôn luôn phải biết cúi đầu để vững chãi bước lên từng nấc thang của đỉnh núi cao diện kiến ánh tuệ dương.

Các bạn, hãy nhìn trong cuộc sống tại sao gia đình của chúng ta cứ lủng củng là đôi khi người vợ có kiến thức hơn người chồng về mặt nào đó trong xã hội, văn hóa, kinh tế, đối xử thì đôi khi cằm của người vợ cao hơn đầu của người chồng. Và cũng như thế người chồng đôi khi hơn vợ là có sức, trí tuệ, kiến thức, làm nhiều tiền, bảo đảm đời sống gia đình, thì cái cằm đặt ở trên đầu của người vợ. Ta đã không biết cúi đầu để hai vầng trán của nhau chạm vào giao thoa nhau như biển trời, giao thoa như thiên địa ta cứ ngẩng đầu lên. Rồi đường thì ban ngày chẳng nhìn rõ đi đâu cũng đụng cũng vấp cũng té, gia đình xào xáo vợ chồng cách ly.

Trong tình bạn, trong tình người, trong xã hội mấy ai chúng ta học cách cúi đầu. Bảo Thành có thói quen sai trái từ nhiều lần nhận thấy đang thực tập và đã thành công ở chỗ học cúi đầu. Ai mà trong chúng ta không cao ngạo. Vốn sinh ra ta luôn vỗ ngực cảm thấy rằng ta hay hơn người, giỏi hơn người, phước báu hơn người, nhưng trải qua những sự ở trong đời mới thấy ngỡ ngàng ngẩng đầu lên tổn phước, cúi đầu xuống là tích phước. Người biết cúi đầu không phải là nhục, sợ hãi mà người biết cúi đầu là thể hiện lòng bao dung, có kiến thức sâu rộng, không có nâng cao bản ngã, là người biết yêu thương và tình yêu thương kiến thức của họ rộng như biển tận hư không.

Chúng ta hãy học cách cúi đầu. Cúi đầu để lên núi từng nấc thang trong cuộc sống, thành tựu từ vật chất, danh vọng đến quyền lực phải luôn luôn phối hợp với Trí Tuệ lòng bao dung thì tất cả sự thành tựu như vừa kể chỉ là phương tiện để cho chúng ta ứng dụng, san sẻ, đồng tiến lên sự giác ngộ viên mãn như câu hồi hướng cho chúng sanh đồng thành Phật đạo, chính là ý nghĩa biết cúi đầu.

Còn nếu như chúng ta chỉ biết ngẩng đầu cao ngạo. Có hai loại ngẩng đầu, ngẩng đầu cao ngạo và ngẩng đầu để thể hiện cho mình có một cái lý trí vươn lên đó là điều tốt. Nhưng hầu hết sự ngẩng đầu để hãnh diện, vươn lên đối với chúng ta rất ít, mà ngẩng đầu trong tánh kiêu ngạo, cống cao thường hay có nơi mỗi người. Đây là cách ngẩng đầu không phù hợp, học cách cúi đầu khiêm tốn bao dung, đón nhận để mở mang kiến thức, bước lên từng nấc thang vững chãi thành tựu sự an lạc trong học Phật là điều rất cần.

Chúng ta thấy các bạn của chúng ta, người quen của chúng ta có những phước duyên căn cơ học được pháp môn này pháp môn kia. Ai ai cũng ôm ấp pháp môn đó để thể hiện pháp môn của mình là bậc nhất Trí Tuệ, bậc nhất thành tựu coi thường các pháp môn khác, chê bai, dèm pha, đâm thọc, khinh thường. Rồi đôi khi trong cuộc sống với tánh cao ngạo như vậy ta cũng ứng dụng một cách quá bừa bãi dư giả, như loại hàng xa xỉ giảm giá gặp đâu cũng quăng cũng bỏ, tạo ra cuộc sống chúng ta càng ngày càng mất đi phước báu tai họa càng tới.

Các bạn có thấy chưa ta quen được một vị Thầy, gặp được một ngôi chùa phù hợp ta tới, học được một pháp môn, hiểu được một chút là bắt đầu hết khiêm tốn cúi đầu rồi, coi như kiến thức đầy ắp, nhưng mà đâu ngờ rằng thể loại kiến thức mà ta nghĩ rằng đầy ắp đó ta để trên đầu đó không khác gì con tôm đâu các bạn. Toàn là rác rưởi ô nhiễm môi trường cuộc sống gây tai họa cho tự thân và gây đau khổ cho muôn người. Người biết cúi đầu tâm rỗng, ngã chẳng có, sự thanh thoát như sao trời không vướng bận một điều gì, tỏa sáng tới muôn nơi, dù có xa ngàn trùng nhưng ánh sáng vẫn lấp lóe trên đó soi đường cho ta đi.

Các bạn phải học cách cúi đầu hạ mình sát đất để trở về không, tánh không, tiếp ánh tuệ như, buông bỏ thành tâm đón nhận. Chúng ta phải buông bỏ tánh chấp và thành tâm đón nhận, rồi từ đó ta mới có cơ hội du hành vào Pháp giới tận hư. Đặc biệt trên con đường học Phật hoặc tiếp xúc với xã hội, tu bổ kiến thức ở đời. Người biết cúi đầu khiêm tốn là người luôn luôn biết tăng trưởng vươn lên, cúi đầu để vươn lên. Cúi đầu không phải là ô nhục để người ta đè đầu đè cổ. Cúi đầu là người có kiến thức, người thành tựu, người tăng trưởng phước báu, người bao dung.

Các bạn, trong các mối quan hệ của cuộc sống gia đình, xã hội, ở nhà cũng như nơi Thiền môn, các bạn đồng tu, bất cứ nơi đâu nếu có người biết cúi đầu nơi đó luôn luôn hạnh phúc. Chỗ nào không hạnh phúc, nơi đâu toàn oan gia trái chủ, tranh chấp, giận hờn, bon chen, đấu đá là nơi đó không có ai biết cúi đầu. Nếu bạn đang có một trải nghiệm về cuộc sống xào xáo, đấu đá, tranh chấp nhau không có sự hạnh phúc, cô đơn, phiền muộn, sầu bi, ghen tuông những tánh đó hầu hết là bạn không biết cúi đầu. Có lẽ nếu không biết cúi đầu phải đi bác sĩ chỉnh lại xương cắt đi một đốt xương cho mềm cái cổ, để cổ chúng ta biết cúi xuống. Ông bà thường nói kẻ cứng cổ thường hay ngẩng đầu kiêu ngạo. Ngày nay khoa học rất hay, có thể giải phẩu lấy bớt một đốt xương cổ để cổ mềm biết cúi xuống. Đúng, Đức Phật là một bác sĩ biết giải phẩu sự cứng cổ bởi tánh cao ngạo, ngã mạn, tự tôn, tự đại. Trong giáo lý của Ngài dạy, dạy cho chúng ta không phải đi bác sĩ để mổ lấy xương cổ ra cho bớt cứng. Mà dạy cho chúng ta chuyển hóa những khúc xương bị cứng ngắc bởi tánh chấp tánh tham đang dính ở cổ đó kéo nó ra cho nó mềm xuống không trở thành người cứng cổ nữa, mà biết trở thành người mềm cổ cúi đầu đón nhận và có lòng bao dung yêu thương rộng lớn hơn.

Cúi đầu xuống hạ mình sát đất
Trở về không tiếp ánh tuệ như 
Buông bỏ chấp thành tâm đón nhận 
Du hành vào pháp giới tận hư 

Nếu các bạn khiêm tốn cúi đầu trong Thiền Mật Song Tu, mật âm Mu A Mu Sa sẽ giúp cho các bạn đón nhận được thật nhiều năng lượng Từ Bi của Chư Phật. Mật ngôn Nam Mô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ giúp cho bạn khai mở Trí Tuệ. Và trong tâm thái biết cúi đầu khiêm tốn hạ mình xuống bạn sẽ có cơ hội thể nhập vào ánh tuệ như. Bạn sẽ có cơ hội thể nhập vào tánh Phật, nơi đó tuyệt vời lắm, cuộc sống của các bạn sẽ thay đổi thật nhiều hạnh phúc, bình an và thành tựu. Nếu đang gặp trắc trở các bạn biết rằng bạn đã không biết cúi đầu rồi, cổ cứng quá chỉ biết ngẩng đầu lên cao ngạo quá. Cúi đầu xuống thấp một chút các bạn ơi để có thể bước lên trên đỉnh núi cao. Cúi đầu xuống thấp một chút để ngàn sao trên trời có thể vươn bàn tay mà kéo xuống. Điều này làm được bởi phẩm hạnh cúi đầu là phẩm hạnh khiêm tốn, là một phẩm hạnh cao cả tăng trưởng Trí Tuệ, thể hiện tấm lòng thành kính sẵn sàng đón nhận sự trao ban, truyền dạy, hướng dẫn, khai thị, chỉ bảo của Chư Phật Bồ Tát, các bậc thiện tri thức, của những người đã đi trước có kinh nghiệm hơn chúng ta. Người khôn biết cúi đầu nghe, người khờ ngẩng mặt nhìn sao trên  trời.

Trong cuộc sống các bạn hãy học cách cúi đầu. Cúi đầu để luôn luôn được hạnh phúc và bình an. Cúi đầu bệnh tật tiêu tan, phiền não đoạn diệt. Cúi đầu Trí Tuệ được khai mở, bao dung lớn dần lên. Cúi đầu để xứng đáng là người con Phật, Phật tử. Cúi đầu để liên kết với muôn người. Cúi đầu để có một cuộc sống mà chúng ta có mối liên hệ với muôn người bằng tình yêu, bằng tình thương, bằng bao dung và tha thứ, nhất định phải học cách cúi đầu.

Biết bao nhiêu những dân tộc sống ở trên trái đất này họ luôn luôn biết cúi đầu. Khi chúng ta biết cúi đầu thì chúng ta sẽ giúp cho bản thân của mình phát triển hơn, cho người ở dưới cũng phát triển  hơn. Nhất là những ai có quyền, có lực, có thế, có Trí Tuệ càng cúi đầu thấp xuống thì càng có thể tạo ra một nền tảng vững chãi cho những người ở dưới vươn lên để thành công. Nhất là nếu như ông bà cúi đầu xuống nhìn con cháu thì nhất định con cháu sẽ đề huề hạnh phúc và thành công. Nếu mà con cháu biết cúi đầu xuống sẽ đón nhận được ân sủng, sự gia trì phước báu của ông bà cha mẹ, những bậc thánh trao truyền cho chúng ta. Dù bạn có quyền lực có thế lực là kẻ bề trên thì khi bạn biết cúi đầu nhìn xuống sẽ giúp cho muôn người thái an hạnh phúc. Dù bạn là người ở dưới thấp tận cùng của xã hội, cúi đầu thì bước chân của bạn sẽ vững chắc, sự thành công của bạn sẽ luôn luôn hiện tiền trong cuộc đời. Dù cho nghịch cảnh đau thương có xảy tới thì bạn luôn luôn tự tại và an vui. Bởi vậy chúng ta thấy thật rõ phong tục của ông bà ngày xưa luôn dạy chúng ta phải biết cúi đầu. Cúi đầu thể hiện sự tôn trọng quý kính với bậc ở bên trên, còn thể hiện tấm lòng sẵn sàng đón nhận. Người Nhật, người ta dạy cho con cháu của họ cách cúi đầu. Bởi vậy người Nhật mới tiến bộ tột đỉnh và thành công rất nhanh, lễ giáo thật tuyệt vời. Chúng ta thấy tất cả các gương, ngay cả nước Tây Âu hay là nước Mĩ, những người có kiến thức rộng lớn cũng luôn luôn biết cúi đầu xuống. Cúi đầu để giúp đỡ người khác, cúi đầu để tăng trưởng kiến thức chính mình. Người học Phật như chúng ta nhất định phải biết cúi đầu khiêm cung.

Cúi đầu xuống hạ mình sát đất

Trở về không tiếp ánh tuệ như

Buông bỏ chấp thành tâm đón nhận

Du hành vào Pháp giới tận hư.

Các bạn, trong tuần này thứ bảy sống trong chánh niệm. Cùng trở về với tư tưởng nhắc nhở chính mình thực hiện điều chúng ta cần phải thực hiện đó là học cách cúi đầu. Cảm ơn các bạn đã nghe, nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ luôn luôn học cách cúi đầu trong cuộc sống. Mô Phật!

Giờ đây Bảo Thành lắng nghe nếu các bạn đồng tu có chia sẻ gì thì xin cho Bảo Thành biết. Mô Phật!

Câu hỏi:

Bảo Nghy kính đảnh lễ Thầy, Sư Cô cùng Chư vị. Kính tạ ơn Thầy đã khai thị cho chúng con cách cúi đầu.

Có một câu hỏi là: Tâm lý bình thường của người phàm là đôi khi có sự tự ti hay có tâm lý là sợ thua kém, sợ bị thất thế, sợ bị khinh khi coi thường. Cho nên đôi lúc sự tự ti đó nó trở thành sự tự tôn, tự ti quá cho nên tự tôn để mà bảo vệ an toàn của mình, giảm nhẹ cảm giác bất an. Thưa Thầy cho con hỏi là, nếu như có cảm giác như vậy của bản thân mình thì làm cách nào để chế ngự? Hoặc là nếu cảm giác đó của người thân mình đối với mình thì làm cách nào để dung hòa được những cảm xúc như thế ạ? Mô Phật.

Trả lời:

Mô Phật! Thông thường chúng ta không dám rời xa vùng an toàn của mình. Bởi có lẽ ta thường hay bị đau khổ hoặc là thất bại, hoặc sợ người khác khinh khi cho nên chui vào trong cái vỏ ốc của sự tự tôn như bảo thủ che chở. Nhưng cách đó không phải là cách tốt, bởi càng như vậy ta càng che chắn tầm nhìn của chúng ta. Ta cúi đầu xuống để nhìn xa hiểu rộng vững chãi trong cuộc đời, ngẩng đầu lên để tiến tới cái đích đích thực trong cuộc sống. Cần phải ngẩng khi ngẩng, cần phải cúi đầu khi cúi đầu. Nếu như trong cuộc sống chúng ta và người thân thường rơi vào trạng thái ngẩng đầu để nâng cao sự tự tôn bảo vệ hay nói đúng hơn là bảo thủ, hầu hết Bảo Thành và các bạn hay bị dính mắc vào sự bảo thủ tư kiến riêng của mình.

Do đó, theo như sự tu tập kinh nghiệm của các bậc Tổ cũng như sự biệt truyền của chư Phật dạy một cách rộng rãi cho muôn người rằng luôn luôn trở về với chánh niệm hơi thở để ta thể nhập vào thể tánh chân như. Từ đó tuệ của ta được phát triển và nhận thức mới sửa đổi được, người ta gọi theo người xưa nước chảy đá mòn. Chánh niệm hơi thở là nguồn nước thanh tịnh chảy mãi vào trong tâm thức. Nó sẽ làm mòn đi những cái cứng cổ cứng đầu, những sự tự tôn tự tại, tự ti sợ hãi. Nó tăng trưởng cho chúng ta sự dõng mãnh lý trí và tuệ của chúng ta, Trí Tuệ được khai mở nhìn rõ. Đức Phật nhắc đi nhắc lại thật nhiều lần trong cuộc đời khi còn tại thế là chúng ta luôn luôn phải trở về với hơi thở ngắn dài tùy nhưng phải chánh niệm trong từng giây phút. Chánh niệm hơi thở là bí Pháp cao vời, kì diệu giúp cho chúng ta dần dần phá tan những tảng núi nghiệp chướng của sự tự tôn, tự cao, tự ti. Nói cho thật ngắn thật gọn để cho chúng ta phá vỡ được điều đó cần phải thực tập chánh niệm hơi thở Từ Bi quán và Trí Tuệ quán phẩm hạnh mẹ hiền Quan Thế Âm. Không phải đang không mà Đức Phật hỏi ngài Quan Âm rằng: Ngài Quan Âm có Pháp môn gì để dạy cho đại chúng không và dĩ nhiên không phải Đức Quán Thế Âm tiện miệng nói, nói gì thì nói mà Ngài đã trải nghiệm từ muôn đời vạn kiếp Pháp môn Thiền Trí Tuệ và Thiền Từ Bi đó. Thiền quán Trí Tuệ và thiền quán Từ Bi trong chánh niệm hơi thở có diệu dụng phi thường giúp chúng ta khiêm tốn tăng trưởng Trí Tuệ để không tự tôn tự ti nữa mà sống đối xử bình đẳng, mang kiến thức tuệ giác chánh niệm trong Từ Bi Trí Tuệ ứng dụng vào cuộc đời mang lại lợi lạc cho muôn người. Đó là đối với cá nhân nhận thức ra ta tự tôn, tự ti, bị dính mắc vào trong những cái như vậy ta tu tập sẽ thoát. Còn nếu có người nhà như thế thật là khó chạm vào bởi vì họ tự ti rồi tự tôn chạm vào là họ nổ. Nổ đùng đùng chết người cho nên không cần, nước cứ chảy cứ nhỏ từng giọt, núi kia có thể dời được bởi từng giọt nước. Ta hồi hướng từng giọt Cam Lồ tịnh thủy chánh niệm hơi thở Từ Bi Trí Tuệ quán. Mỗi khi ta tu tập Từ Bi Trí Tuệ  quán chánh niệm hơi thở, ta nghĩ đến người yêu thương đó và hồi hướng cho họ. Khi đã đủ năng lượng rồi thì người đó sẽ tự nhận thẩm nhập vào được tự tánh, bởi trong họ cũng đã có Phật tánh. Nếu họ chưa tự thể quét dọn sạch sẽ để hiển lộ thì sự hồi hướng của chúng ta cũng giúp cho họ thẩm nhập vào được. Chỉ cần lòng thành đối với người trong gia đình như vậy hoặc bạn bè hoặc ai đó, ta thành tâm chí thành khiêm tốn cúi đầu đảnh lễ Chư Phật và thực tập Thiền chánh niệm hơi thở Từ Bi Trí Tuệ quán rồi hồi hướng công đức cho người đó. Các bạn sẽ nhận thức ra rằng họ sẽ chiều sâu của cuộc sống trong tâm thức và có sự thay đổi cuộc sống một cách từ từ. Dĩ nhiên không phải một ngày hai ngày mà hồi hướng cần phải tích lũy đầy đủ năng lượng nhất định thay đổi sẽ tới với họ. Mô Phật!

Dạ con cảm ơn Thầy ạ.

Câu hỏi: Mô Phật! Con Bảo Thy kính đảnh lễ Thầy, quý Sư Cô và cả nhà đồng tu.

Nương vào hùng lực như thế nào trong thời điểm đen tối nhất của cuộc đời khi tất cả mọi thứ đều ập tới thì lòng Từ Bi và Trí Tuệ lúc đó không đủ để mà vượt lên và phân định đúng đắn. Vì biết sai mà thời điểm đó con không có sự lựa chọn khác, giờ đây biết sai rồi thì tội lỗi đó có thể chuyển hóa được không thưa Thầy?

Trả lời: Câu hỏi này đan xen nhiều ý tưởng không được rõ. Một bên là nương vào hùng lực của chư Phật, rồi cách nói khác hùng lực của chư Phật là lòng Từ Bi Trí Tuệ lại không đủ. Đã gọi là Từ Bi Trí Tuệ đã có thì nó dư, không bao giờ thiếu hết. Nếu bạn đã đạt được lòng Từ Bi Trí Tuệ đó thì nó không bao giờ thiếu, bạn chưa đạt được Từ Bi và Trí Tuệ. Chính vì vậy mà nghịch cảnh của cuộc đời tới với bạn, bạn sân bạn giận, những bóng tối cuộc đời nó ập tới ta té nhào. Do đó ta cần phải thực tập trong giai đoạn đầu ta nương vào hùng lực Đại từ đại bi Chư Phật cho tới khi ta thành tựu được Trí Tuệ và Từ Bi thì ta ứng dụng vào. Trong khi ta chưa thành tựu được, ta nương vào hùng lực của Chư Phật.

Có một người té xuống sông cầu ông trời tới cứu. Có cái thuyền đi ngang vớt họ lên, họ nói không tôi cầu trời, anh đi đi, trời sẽ cứu tôi. Hùng lực của Chư Phật, lòng Từ Bi Trí Tuệ của Chư Phật như cái thuyền bơi ngang qua cứu mình lên, nhưng mình cứng đầu không biết cúi đầu đón nhận. Bởi vì mình thiếu Trí Tuệ, mình nghĩ rằng ông trời ở trên trời sa xuống mặt nước rồi đưa tay phất một cái mình bay trên mặt đất, cho nên đã bỏ qua chiếc thuyền. Người đó thấy một người trên bờ quăng sợi dây bởi người trên bờ không biết bơi, quăng sợi dây xuống bảo cầm dây tôi kéo vô. Người đó nói không không, tôi đợi ông trời xuống cứu và sợi dây đó chẳng thèm bám vào. Hùng lực Chư Phật, Phật mang thuyền, Phật thả dây xuống đó là phương tiện hiện hữu ta có thể sờ được, thấy được, cảm nhận được nhưng ta thiếu Trí Tuệ. Ta không nhìn rõ ta tự cao nghĩ rằng nói trời trời xuống, khiến trời trời hiện cho nên sợi dây chiếc thuyền bỏ qua. Chưa kể có người dấn thân nhảy xuống bơi kéo ta vào ta không chịu, và rồi bỏ lỡ cả ba cơ hội chết chìm xuống gặp Diêm Vương hỏi sao chết, bảo ông trời không thương kêu hoài ông không tới. Diêm Vương mới nói gửi cả ba lần thuyền, sợi dây và người bơi ra ngươi không đón nhận.

Chúng ta cứng đầu, mỗi khi gặp nghịch cảnh cuộc sống bạn không vượt qua. Bạn có sự tự cao quá, khiêm tốn xuống mở rộng vòng tay và nói thật đơn giản: thưa Phật, trong nghịch cảnh đen tối cuộc đời con thành kính nương vào hùng lực của Chư Phật, xin cho con biết tĩnh tâm trong chánh niệm hơi thở, nhìn rõ Trí Tuệ Từ Bi thì mọi bóng đen nghịch cảnh của cuộc đời có ập tới mắt bạn vẫn sáng để nhìn rõ. Cho nên nếu bạn nói rằng hùng lực Từ Bi Trí Tuệ của Phật không đủ, không phải mà chính bởi vì bạn chưa đủ niềm tin và lòng khiêm cung đón nhận. Như kẻ chết đuối thấy thuyền mà không bước lên, thấy dây mà không nắm chặt, thấy người nhảy xuống bơi mà khước từ, bởi lúc nào cũng tự cao tự mãn nghĩ rằng trời phải hiện ra trước mặt. Chúng ta luôn luôn có tâm thái nghĩ rằng ông trời, ông Phật phải nhập vô ta phải hiện ra trước mặt, chứ không nghĩ rằng Ngài đã ứng dụng phẩm phương tiện trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, thật nhiều phương tiện và với phước báu chúng ta, Ngài đã mang phương tiện tiếp cận như thuyền, như dây, như người bơi nhưng ta đã khước từ.

Hãy quán chiếu thật rõ những hiện tượng tới trong cuộc đời như chiếc thuyền như sợi dậy như người bơi tới khi ta chết đuối. Trong bóng tối của nghịch cảnh ta sẽ nhận thấy hùng lực Từ Bi Trí Tuệ của Phật không bao giờ mà không đủ. Chỉ có ta không đủ niềm tin để có chí nguyện bền vững đi trên con đường tu niệm giải thoát nên khi nghịch cảnh và bóng đêm của sự thử thách tới, ta không vượt qua. Còn nếu như bạn sau khi đã tu nhận thấy rồi bạn sám hối là điều tốt. Ai trong đời cũng nhiều lần khước từ hùng lực của chư Phật như phương tiện của thuyền của dây của người bơi ra cứu chúng ta. Ai cũng nhiều lần tự cao tự mãn khước từ điều đó nhưng khi chúng ta đã nhận ra rồi thì học cách cúi đầu khiêm tốn. Lúc đó có thể thể nhập vào tự tánh Phật để đón nhận được đại hùng đại lực Từ Bi Trí Tuệ của Chư Phật, tăng trưởng cho mình trong cuộc sống làm người và trên con đường học Phật tu nhân. Mô Phật!

Câu hỏi: Tại sao có một số người sau một thời gian tu tập thì trở nên phủ nhận mọi thứ cái gì cũng không có ạ. Xin Thầy khai thị cho con và tất cả anh chị biết ạ. Con xin cảm ơn.

Trả lời:

Mô Phật! Khi chúng ta học có những nền giáo lý Phật được ghi lại trong văn tự với những từ người ta gọi là trò chơi ngôn ngữ như về Tánh không, Pháp không. Luẫn quẫn trong Tánh không, Pháp không đó rồi coi thường tất cả, mang câu nói gặp Phật chém Phật, gặp ma chém ma. Điều đó có.

Khi học Phật đừng dựa trên nền tảng của triết lý Phật học ngôn ngữ để lạc vào sự hoang tưởng, để thể hiện được những điều đó cho nên khước từ rồi đi đến như kinh Bát Nhã vô khổ tập diệt đạo. Cái gì cũng không hết, không phải là không mà ở chỗ không dính mắc nên những điều đó có chẳng là gì đối với chúng ta. Nhưng lầm tưởng đọc trong Kinh Bát nhã vô khổ tập diệt đạo, vô trí sở hữu đắc, cái gì cũng không hết cho nên dần dần họ coi cái gì cũng không. Đó là chưa qua sự tu chứng mà cho đã chứng, cái đó gọi là chưa qua sự Pháp hành tu chứng mà cho đã chứng gọi là chứng ma, chứng ngang ngược. Đúng ra chúng ta phải theo lời Phật chánh niệm hơi thở tại đây biết đây nếu gọi là không thì chánh niệm hơi thở để làm gì. Chánh niệm hơi thở để tăng trưởng tánh biết hiện hữu trong từng giây phút cuộc sống. Nếu cái gì cũng không thì đâu còn tánh biết, tánh biết là biết được cái không và cái có. Cái không là cái vô tướng, cái có là cái có tướng. Cái không là cái vô vi, cái có là cái hữu vi. Cái không là cái vô hình, cái có là cái hữu hình. Cái có tướng và không tướng tánh biết đều bao trùm hết. Cho nên trong chánh niệm hơi thở chúng ta thực tập để thấy được tánh biết nên dễ trụ tâm trong tánh biết, để sống an nhiên và tự tại, còn không ta gạt phăng tất cả ôm ấp tánh không rồi coi cái gì cũng không nhưng thật sự nó là có, có tâm chấp vào cái không. Tâm chấp vào cái không là hiện tượng thường xảy ra đối với những con người chưa thành tựu được Pháp chánh niệm hơi thở mà vội vàng, chưa bước lên nấc thang thứ nhất mà muốn tới lầu ở tầng một trăm mấy chục thì cái đó gọi là hoang tưởng.

Cho nên các bạn cố gắng thực tập chánh niệm hơi thở thì chúng ta sẽ trụ lại ngay trong chánh niệm với tánh biết hiện hữu như trong Kinh Lăng Nghiêm Bát Nhã và thấu hiểu được tinh thần của Tâm Kinh, để thấy được điều không mà trong Tâm Kinh nói đều là những điều có nhưng không còn dính mắt ôm ấp đó mới gọi là không dính mắc chứ không phải vạn Pháp đều không. Vạn pháp do nhân duyên tương hợp mà có, tới rồi đi giả hợp nhưng luôn luôn là có với tâm không dính mắt thì tất cả các Pháp tới lui đó ta không bị phiền não và đau khổ. Mô Phật!

Cảm ơn các con đã nghe, các Phật tử đã đồng tu. Nguyện chúc cho tất cả mọi người có một tuần an vui và hạnh phúc và hồi hướng công đức này tới muôn loài chúng sanh thành tựu Phật quả. Mô Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts