Search

Chiều Nay Con Nhớ Mẹ

Bảo Lạc đánh máy, Bảo Tịnh Minh biên tập

Mẹ mang phong thái thiên thần giáng trần 
Từ tâm nhân ái ân cần giúp người 
Mẹ vá víu những mảnh đời tả tơi 

Nhìn lên tình tú soi rạng cung trời  
Ngàn sao lấp lánh môi mẹ mỉm cười 
Con theo bước chân mẹ mẹ ơi!

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Hôm nay thứ bảy, ngày lễ của Mẹ, Bảo Thành đang ở Chùa Tổ Đình, Chùa Xá Lợi tại tiểu bang Maryland Mỹ quốc. Trong ngày tu chánh niệm đời sống với chủ đề Chiều Nay Con Nhớ Mẹ, đúng vào ngày lễ Mẹ. Giờ đây đã tới giờ, kính mời tất cả các bạn, chúng ta hãy thành kính, chân thật quay trở về nương vào ba ngôi Tam Bảo, để chúng ta cùng nhau trì tụng hồng danh Đức Bổn Sư, Đại Bi chú, Vãng sanh chú và Thất Bảo Huyền Môn. Nguyện một lòng hồi hướng đến tất cả mọi người Mẹ trên thế gian này, đều luôn được an lạc, hạnh phúc, hết phiền não, đau khổ và luôn được an dưỡng bằng Trí Tuệ lòng Từ Bi của mười phương Chư Phật, chúng ta hãy bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô a di đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A di rị đô bà tỳ

A di rị đa tất đam bà tỳ

A di rị đa tỳ ca lan đế

A di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu!

Chỉ với chủ đề Chiều Nay Con Nhớ Mẹ, trong từng giây phút tán tụng Hồng danh Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, trì Đại Bi chú. Nương vào năng lượng Từ Bi của Mẹ hiền Quan Thế Âm, để mỗi người chúng ta thể nhập trở về với năng lượng Từ Ái. Nằm ngủ bình yên trong vòng tay của Mẹ, để mỗi một chiều khi bao nhiêu băng giá thử thách của cuộc đời, bôn ba ở xứ người hay ở ngoài đời ta lại một lần nữa được trở về chiều nay để nói rằng. Mẹ ơi! con nhớ Mẹ. Hay là để cho chúng ta được một lần nữa trở nên như thơ như trẻ để được nằm vào trong vòng tay của Mẹ để Mẹ ôm ấp, che chở và vỗ về. Tuổi đời dù có trải qua bao lâu đi nữa, mái tóc đen đã trở thành hoa râm, trắng phơ cả cuộc đời thì chúng ta vẫn luôn luôn nhớ đến Mẹ.

Trong nỗi nhớ của tất cả những nỗi nhớ của con người, của phận đời, nỗi nhớ Mẹ vẫn là một nỗi nhớ tuyệt vời và niềm nhớ Mẹ đó vẫn luôn dâng trào trong trái tim của tất cả mọi người. Dù là người bình thường không có tôn giáo hay quý Phật Tử tại gia, hoặc là các Bậc xuất gia, ngay cả các Bậc Thánh và cả Đức Phật thì ở trong lòng của những người con luôn có một nỗi niềm nhung nhớ về Mẹ. Trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta có biết bao nhiêu buổi chiều đã trôi qua, những buổi chiều ấy hình như ai trong chúng ta cũng nhớ về Mẹ. Bởi sau một ngày đi làm việc, hay sau một buổi học, hay sau một ngày mà Mặt Trời đang đi dần về phía tây để ngủ thì chúng ta cái chiều tà ấy lại nhung nhớ, nhớ về ai, nhớ về Mẹ. Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ và Mẹ ơi chiều nay con nhớ Mẹ thật nhiều.

Thuở còn rất trẻ, khi ông cụ Bảo Thành còn sống, lúc đó Bảo Thành còn nhỏ, nhỏ chưa hiểu được chuyện đời vào những buổi chiều Ông cụ đứng nhìn qua hàng tre, thưở xưa nhà Bảo Thành có bụi tre. Ông cụ hát nghêu ngao có hai ba câu, Bảo Thành còn nhớ đó là chiều chiều ra đứng bờ ao, trông về quê Mẹ mà ruột đau chín chiều, đau lắm. Ông cụ Bảo Thành là người Bắc di cư năm 1945, khi từ bỏ miền Bắc đi vào miền Nam, Ông cụ của Thầy không thể mang theo ai. Chỉ đi một mình bởi Cha tức là Ông nội của Bảo Thành đã mất tích ở đâu đó rồi, chỉ còn Bà nội mà thôi. Lúc đó Ông cụ của Thầy vào trong miền Nam trong tình cảnh mà phải chạy cho nhanh vì lý do của một dòng thời gian lịch sử của người Việt cho nên chỉ một mình ra đi để rồi trong Nam khi đã lập gia đình có con. Vậy mà những buổi chiều vẫn nhìn qua bờ rào hàng tre đó để ca những lời ca mà không biết ai đó sáng tác Chiều chiều ra đứng bờ ao, trông về quê Mẹ mà ruột đau, đau lắm. Và Ông cụ của Thầy cứ than thở chiều nay con nhớ Mẹ, than cho tới lúc mà Bà nội có nghĩa là mẹ của Ông cụ đã mất từ thuở nào. Vậy mà lớn lắm rồi, chín lăm năm tuổi, lúc mà gần lìa cuộc đời Ông cụ vẫn hát nghêu ngao Chiều chiều ra đứng bờ ao, trông về quê Mẹ ruột đau, ruột đau vô cùng bởi những phận làm con phải xa Mẹ.

Ai trong chúng ta cũng nhớ Mẹ. Các bạn là ai, nếu chúng ta đã là người chẳng phân biệt thân phận đâu, chúng ta luôn nhớ về Mẹ. Hãy cho mình một cơ hội nữa để hiểu thấu về Đức Phật, Bậc Thầy mà đã dạy cho chúng ta một chân lý để thoát khổ và các bạn thử hỏi coi thưa Thầy, thưa các bạn, thưa đại chúng, Đức Phật có nhớ Mẹ không? Liệu Ngài giác ngộ rồi có còn tình cảm không, có còn liên quan gì giữa tình người với người, giữa tình của một Bậc giác ngộ với một người Mẹ đã sinh ra Ngài hay không. Đó là câu hỏi chắc có lẽ ít có ai hỏi, bởi vì khi chúng ta học giáo lý biết về Phật chúng ta chỉ thấy Phật là Đấng giác ngộ.

Lịch sử của Đức Phật chắc có lẽ chỉ nhẹ nhẹ những thông tin đây đó về Đức Phật, nhưng không phải là một cái ấn tượng để cho các bạn và Bảo Thành nhớ. Mấy ai ở trong đời là Phật tử chúng ta hỏi. Phật ơi! Ngài có nhớ mẹ không? Câu hỏi này, ta tự hỏi mình, ta có nhớ Mẹ hay không. Ta thử hỏi tất cả mọi người và khi ta hỏi. Phật ơi! Có nhớ Mẹ hay không? Các bạn, Phật nhớ Mẹ vô cùng. Dù Ngài là Bậc giác ngộ, Ngài vẫn nhớ Mẹ, huống hồ chi là chúng ta.

Chứng minh thật rõ, khi đức Phật được sanh ra, Hoàng Hậu tức là mẹ của Đức Phật đã từ bỏ cõi trần gian, nói đúng hơn là chết. Vì sinh ra Đức Phật trong một hoàn cảnh ngặt nghèo thời đó, có lẽ Y học chưa phát triển sinh tự nhiên. Mẹ của Phật đã hy sinh, và rồi lớn lên trong vòng tay thương yêu của người Dì, của Cha, của dòng tộc vương đế. Mới sinh ra Mẹ mất thì trong lòng đâu có ấn tượng gì về Mẹ, nói đúng ra là Đức Phật mồ côi khi thưở vừa lọt lòng Mẹ. Nhưng chẳng phải phận mồ côi đó, người Dì, Cha và mọi người nuôi nấng mà Đức Phật lớn lên không thể nhớ về Mẹ. Dù chưa nhìn được Mẹ, chưa được Mẹ ôm ấp, che chở, dìu dắt, nuôi dưỡng để trưởng thành, nhưng khi thành tựu ngôi Giác Ngộ, Đức Phật vẫn luôn luôn nhớ về Mẹ. Chứ chẳng phải khi là Thái Tử, là Phật mà còn nhớ về Mẹ, huống hồ Ông cụ của Bảo Thành sao không nhớ về Mẹ khi đã là Cha, là Ông, Ông cụ vẫn nhớ về Mẹ. Huống hồ chi các bạn, sao lại không thể nhớ về Mẹ. Bảo Thành tin chắc các bạn luôn luôn nhớ về Mẹ. Đặc biệt là ngày lễ Mẹ hôm nay, ai trong chúng ta cũng nhớ về Mẹ. Chúng ta sẽ mua bông để tặng mẹ, chúng ta sẽ mang những gì cao quý nhất của cuộc đời để tặng cho Mẹ. Và đúng vậy Mẹ mang phong thái thiên thần giáng trần để Mẹ dìu dắt chúng ta.

Mẹ mang phong thái thiên thần giáng trần

Từ tâm nhân ái ân cần giúp người

Đó là hình ảnh của tất cả các người Mẹ, các bà Mẹ, các Đấng sinh thành nên chúng ta, các Đấng làm Mẹ. Đức Phật nhớ Mẹ lắm, nhớ vô cùng. Có lẽ trong Kinh không nói tới Đức Phật nhớ như thế nào nhưng với tâm cảm cùng là con người, Bảo Thành tin chắc Đức Phật nhớ lắm. Nhớ đến mức mà trong Kinh Vu Lan nói, Ngài đi vào trong rừng đi Kinh hành thấy một đống xương trong ngày lễ Vu Lan và cũng bởi đó mới có ngày lễ Vu Lan. Ngài nhìn đống xương mà thấy hình ảnh của Mẹ mình, Ngài đã khóc. Nỗi nhớ Mẹ của Phật để những dòng lệ của Ngài, Bậc giác ngộ đã lăn dài trên gò má Đấng Minh Tuệ. Đấng Minh Tuệ giác ngộ mà lệ kia còn rơi khi mỗi buổi chiều nhớ về mẹ ở trong rừng hoang thấy xương tàn phơi trắng huống hồ chi chúng ta phận là người chưa phải Bậc giác ngộ nào có thể tránh xa được nỗi niềm nhớ về Mẹ của chúng ta. Nhìn xương khô ở trên rừng còn nhớ Mẹ để từ đó khi giác ngộ rồi. Ngài! Đức Phật hằng đêm vẫn đi lên cung trời Đao Lợi để gặp Hoàng Hậu Maya tức là Mẹ để khai thị truyền đạo Giác ngộ. Đây là một điểm rất đặc biệt, để dạy cho chúng ta phận làm con nhớ đến đạo hiếu làm người.

Dù các bạn là người bình thường, là Phật tử, là Vương giả, là Tể tướng, là Quan thần, là Vua chúa, là Tổng thống, Thủ tướng hay là bần nông, hay là người hẹn mòn như Bảo Thành thì các bạn nhớ rằng ta vẫn chỉ có một Mẹ và ta luôn luôn nhớ Mẹ. Đức Phật nhớ Mẹ đến nỗi hằng đêm phải đi lên, dùng thần thông mà đi lên cung trời Đao Lợi để gặp Mẹ, để nói pháp. Đây là cách nói trong Kinh, nhưng nói trong tình người, Phật nhớ Mẹ quá và trong buổi chiều Phật đã nói rằng. Mẹ ơi! chiều nay con nhớ Mẹ lắm. Cung trời đó Đức Phật phải thân chinh về cung trời để thăm Mẹ, thật là đúng.

Mẹ mang phong thái thiên thần giáng trần

Từ tâm nhân ái ân cần giúp người

Mẹ vá víu những mảnh đời tả tơi

Nhìn lên tinh tú soi rạng cung trời

Đức Phật vẫn thấy Mẹ ở trên cung trời Đâu Suất bởi Mẹ luôn luôn vá víu những mảnh đời tả tơi trong thế gian này bằng tình thương. Mẹ vá víu như thế nào bởi vì mẹ đã hạ thế một Thái Tử giác ngộ thành Phật.

Các bạn, Mẹ đúng là mang phong thái của thiên thần giáng trần. Chiều nay con nhớ Mẹ và những buổi chiều trong cuộc đời của Đấng Minh Giác, Minh Tuệ, Đấng giác ngộ, của Phật, Ngài cũng nhớ về Mẹ. Như phận đời của chúng ta, chúng ta vẫn thổn thức trong tâm, chiều nay con nhớ Mẹ, nhất là những người làm con mà Mẹ đã mất. Như Bảo Thành đây đã mất Mẹ hai chín năm trời gần ba mươi năm. Gần ba mươi năm qua, vào tất cả những buổi chiều viễn xứ nơi nước Mỹ xa xôi, mồ mả của Mẹ vẫn còn trơ trơ trọi trọi ở miền quê Việt Nam. Nỗi nhớ nhung vô cùng, nỗi nhớ vô ngần và những chiều vẫn luôn luôn trở về, để trong nỗi nhớ đó, phận người vẫn biết nhỏ lệ, chưa chai đá, để những giọt nước mắt của người làm con xa xôi cách trở ngàn dặm, Mẹ nằm ở đó con nào về thăm. Mẹ ơi con nhớ Mẹ nhiều. Chiều nay con lại nhớ Mẹ, nhớ lắm Mẹ ơi.

Khi con biết nói con nhớ Mẹ lắm thì Mẹ nào có còn trên thế gian. Khi con biết nói con nhớ Mẹ vô cùng và chiều nay, và mỗi chiều của cuộc đời con vẫn nhớ Mẹ thì Mẹ đã đi rồi. Khi con về, con chẳng thể ôm mẹ vào trong vòng tay, hay đặt cái đầu, cái thân, cái cuộc đời của con vào vòng tay Mẹ nữa. Có chăng là đi ra ngoài nghĩa địa mênh mông vô tận ở những nấm mồ hoang cô quạnh đó, con còn mường tượng thấy hình bóng của Mẹ hiền, Mẹ yêu mà con luôn mong nhớ. Mẹ ơi, hôm nay ngày lễ Mẹ, ngày tôn vinh Mẹ, không phải buổi chiều, ngay cả cái buổi sáng hôm nay, con đã nhớ Mẹ vô cùng, nhớ đến mức mà con đã khóc.

Các bạn cũng sẽ nhớ Mẹ. Dù các bạn là Mẹ, dù các bạn là Bà Ngoại, hay Bà Nội, hay Bà Cố, các bạn vẫn nhớ về Mẹ. Từ hình ảnh của Mẹ sâu đậm trong lòng của mỗi người chúng ta. Mẹ mang phong thái thiên thần giáng trần, từ tâm nhân ái ân cần giúp người. Mẹ, mẹ vá víu những mảnh đời tả tơi để khi con nhìn lên tinh tú soi rạng ở cung trời đó thì con thấy ngàn sao lấp lánh, môi của Mẹ mỉm cười. Mẹ ơi! Con sẽ theo bước chân của Mẹ Mẹ ơi! Bước chân của Mẹ là gì, bước chân của Mẹ là bước chân thiên thần giáng trần. Bước chân của Mẹ là gì, là bước chân của lòng nhân ái, của từ tâm, của sự ân cần biết giúp đời, giúp người. Bước chân của Mẹ là gì, là từng bước chân âm thầm vá víu những mảnh đời tả tơi trong cuộc đời. Bước chân của Mẹ là gì, là ánh sáng của tinh tú soi rạng ở trên cung trời. Bước chân của Mẹ là gì, là ngàn sao lấp lánh để con thấy môi Mẹ mỉm cười từ ái. Và con nói Mẹ ơi, chiều nay con nhớ Mẹ, nhưng con luôn luôn sẽ dấn thân cuộc đời của con để đi theo bước chân của Mẹ.

Các bạn cũng như thế. Các bạn nhớ Mẹ mà, Bảo Thành nhớ Mẹ mà, ai ai cũng nhớ Mẹ mà. Ông cụ của Thầy cũng chiều chiều ra đứng bờ ao, nhớ về quê Mẹ mà lòng đau chín chiều. Đức Phật cũng chiều chiều nhớ Mẹ, mà sau khi màn đêm buông xuống, Ngài đã lên tận cung trời Đao Lợi để gặp Mẹ. Chẳng phải gặp Mẹ để dạy giáo lý, điều đó là nói theo văn bản của Kinh. Nhưng nói theo tình người của lòng người dù là Bậc giác ngộ vẫn nhớ Mẹ, vẫn muốn gặp Mẹ. Từ cõi trần gian Ta Bà tới cung trời Đao Lợi mà Ngài còn có thể đi lên trên đó, để gặp Ngài hằng đêm. Huống hồ trong cuộc đời ta còn Mẹ tại trong nhà, trong nhà ta đang sống, trong nhà dưỡng lão hay ở đâu, ta lại không thể về để thăm Mẹ hay sao.

Nếu Phật mà từ cõi trần này phải lên tới cung trời Đao Lợi để gặp Mẹ, ta ở trong cõi trần này với Mẹ, vẫn còn Mẹ tại nhà, vẫn còn Mẹ tại đây, chỗ này ta không thể mỗi chiều về thăm Mẹ được, thì làm sao thì làm sao chúng ta xứng đáng là con của Mẹ, thì làm sao chúng ta xứng đáng là Phật tử tại gia, thì làm sao chúng ta xứng đáng là người học đạo, thì làm sao chúng ta xứng đáng là con người, bởi con thú còn nhớ Mẹ huống chi con người không nhớ Mẹ hay sao.

Phật! Đấng giác ngộ còn hằng đêm nhớ Mẹ, lên thăm Mẹ, còn chúng ta đã bao nhiêu ngày tháng năm qua, các bạn và Bảo Thành đã quên Mẹ. Các bạn và Bảo Thành đã quên về thăm Mẹ. Các bạn và Bảo Thành đã quên những buổi chiều về bên Mẹ mà chỉ nhớ đến công ăn việc làm, danh lợi của cuộc đời, tình cảm riêng tư, tiền tài, phú quý, sự tranh chấp bon chen cho thân phận của chính mình, của cái Tôi, của cái Ngã, của Sắc, của Tài, của Danh để rồi thật nhiều những buổi chiều đã trôi qua trong cuộc đời của Bảo Thành và các bạn. Chúng ta chẳng thể học được gương của Đức Phật là nhớ đến Mẹ vào những buổi chiều.

Trong Kinh thường nói, vào buổi đêm tối khi đệ tử đã ngủ, con người đã nằm yên, Đức Thế Tôn đã lên cung trời để thăm Mẹ. Chúng ta! Chúng ta không ngủ yên trong đêm tối hoặc là thả hồn hoặc thực tế bước về thăm Mẹ mà trong những buổi tối băn khoăn, rối rắm, trong mưu toan cầu lợi của cuộc đời, ta đã bỏ quên Mẹ trong tâm thức. Nhưng hôm nay Bảo Thành nhắc nhở cho bản thân và gợi ý cho các bạn, chúng ta là người học Phật, là Phật tử tại gia, chúng ta có Mẹ như Phật. Phật mồ côi mẹ từ thuở bé lắm, mồ côi Mẹ từ thuở rất thơ, rất trẻ, rất bé. Vậy mà lớn lên thành giác ngộ rồi mà vẫn nhớ Mẹ, vẫn về thăm Mẹ để rồi chiều chiều ra đứng bờ ao, nhớ về quê Mẹ mà ruột đau chín chiều.

Chúng ta, có thể những người Việt xa quê hương viễn xứ vì những lý do này, lý do kia. Rất nhiều người trong chúng ta Mẹ không có ở nước Mỹ, đang ở Việt Nam và chiều nay ngày lễ Mẹ chúng ta lại nhớ về Mẹ. Nếu Mẹ còn trên dương thế, hay nếu như Mẹ đã mất thì nhất định chúng ta đang nhớ Mẹ lắm. Bởi Mẹ nằm ở trên đồng cỏ xanh, trong nghĩa trang, hay Mẹ là mồ hoa, phận làm con ta nhớ Mẹ thật nhiều. Ngày của mẹ Chiều Nay Con Nhớ Mẹ. Chiều nay con nhớ Mẹ không phải là một chủ đề nữa, mà tên của một ca khúc do Ca – Nhạc sĩ Bảo Nghy sáng tác mang âm hưởng của cõi lòng, phận làm con luôn luôn nhung nhớ thương yêu Mẹ. Có lẽ Nhạc sĩ Bảo Nghy đã mang tâm trạng của những phận làm con nhớ Mẹ vào những buổi chiều để có thể gởi gắm cho chúng ta một nỗi nhớ cao đẹp, một nỗi nhớ tuyệt vời, một nỗi nhớ có sức mạnh, có năng lượng siêu thế để có thể hàn gắn mọi vết ô nhục, đau đớn trong cuộc đời mà ta đã tạo ra. Bởi vì chỉ có Mẹ mới vá víu những mảnh đời tả tơi và mảnh đời tả tơi đó trong đó có ta.

Ta đã bị tả tơi trong cuộc đời bởi những thử thách vấp té. Vấp té trong những cơn bão tình, bão tiền, trong những cơn bão của danh lợi, của thủ chấp, của những mong cầu riêng tư. Ta đã vấp ngã, ta đã té và ta đã tả tơi nhưng Mẹ, Mẹ luôn tới để vá víu những mảnh đời tả tơi của chúng ta. Mẹ mang phong thái của thiên thần giáng trần. Mẹ từ tâm nhân ái, Mẹ ân cần giúp người. Mẹ vá víu những mảnh đời tả tơi. Và để rồi chúng ta cũng như Đức Phật nhìn lên trên cung trời, chúng ta thấy Mẹ như tinh tú, soi rạng ngời tất cả thế gian này để rồi từ hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ những tinh tú lấp lánh ở trên trời kia, chúng ta lại thấy Mẹ hiện ra và môi Mẹ mỉm cười hạnh phúc. Bởi Mẹ đã nhìn thấy con, Mẹ luôn che chở cho con, Mẹ luôn dìu bước con, Mẹ luôn vá víu cuộc đời của con, Mẹ luôn thương con và Mẹ biết các con luôn nhớ về Mẹ. Để rồi thực sự trong lòng mỗi người con như chúng ta luôn nói rằng. Mẹ ơi! Con sẽ theo bước chân Mẹ, con sẽ theo bước chân của Mẹ để xứng đáng là con của Mẹ. Mang phong thái của một vị thiên thần giáng được xuống cõi trần này, mang lòng từ tâm nhân ái để giúp cuộc đời bằng những nghĩa cử thanh cao, từ thiện, bác ái, sống cho xứng đáng đạo làm người, sống cho đúng với giáo lý mà Đức Phật đã dạy. Giáo lý đơn thuần thanh tịnh, cao siêu, chẳng màu mè, đó là giáo lý của người con luôn nhớ về Mẹ. Điều đó được chứng minh đức Phật đã nhớ Mẹ để lên cung trời Đao Suất, Đao Lợi để gặp Mẹ.

Còn chúng ta, chúng ta cũng sẽ học theo Đức Phật nếu như các bạn còn Mẹ ở tại thế gian này. Mẹ đang ở nhà, Mẹ đang ở cùng chúng ta, Mẹ đang ở đâu đó, các bạn đừng ngồi mà hát rằng chiều nay con nhớ Mẹ. Các bạn vẫn còn thật nhiều cơ hội để trở về thăm Mẹ, để trở về sà lòng vào, sà cuộc đời vào, ngã cuộc đời xuống để trở thành như bé thơ để Mẹ ôm ấp xoa đầu dìu dắt. Bởi ở trên tinh tú cõi trời kia Mẹ luôn mỉm cười nếu Mẹ đã ra đi, bởi ở tại nhà khi Mẹ đang còn ở thế gian với chúng ta môi Mẹ luôn mỉm cười, Mẹ thương ta thật nhiều. Đừng để cho chiều nay nhớ Mẹ rồi than mà chiều nhớ Mẹ thì về nhà thăm Mẹ đi, nếu các bạn hôm nay thực sự nhớ Mẹ, ngày lễ Mẹ hãy về thăm Mẹ. Ngoài những bông hoa, những điều cao quý nhất dâng lên cho mẹ, hãy ôm mẹ và nói, nói thật nhỏ, như âm thanh trong trẻo thơ dại của ngày xưa. Mẹ ơi! Con thương Mẹ. Hãy nói với Mẹ. Mẹ ơi! Con thương Mẹ. Để ngàn sau khi Mẹ ra đi các bạn không còn cô đơn than trách cho phận người để nói rằng chiều nay con nhớ Mẹ. Mẹ ơi! Mẹ ở đâu. Mẹ vẫn còn ở bên ta, Mẹ vẫn còn kề cạnh không phải chỉ có chiều nay mà mỗi một buổi chiều khi ta trở về nhà hãy nhớ đến Mẹ, hãy ghé thăm Mẹ.

Phật xưa đã phải thân chinh lên trên cung trời để thăm Mẹ mỗi đêm. Chúng ta ngày nay phương tiện quá hay, gọi phone thôi, nhìn hình ảnh của Mẹ trên phone, nói. Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ. Dù chỉ là một câu, chỉ là một lời, chỉ là một giây phút gọi phone qua hình ảnh được nhìn thấy Mẹ và nói thật nhẹ. Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ, con thương Mẹ. Chỉ một lời như vậy thôi thì chúng ta sẽ đón nhận được tràn đầy ân sủng, hồng phúc của Tam Bảo tràn đầy phước báu. Bậc giác ngộ còn thăm Mẹ mỗi tối, kẻ phàm phu sao nỡ quên Mẹ mỗi chiều đi qua. Hãy nhớ về Mẹ, hãy gọi cho Mẹ, hãy viết thư cho Mẹ, hãy đến thăm Mẹ, hãy ôm Mẹ và hãy đặt để cuộc đời của mình trong vòng tay của Mẹ. Bởi Mẹ là ai.

Mẹ mang phong thái thiên thần giáng trần

Từ tâm nhân ái ân cần giúp người

Mẹ vá víu những mảnh đời tả tơi

Nhìn lên tinh tú soi rạng cung trời

Ngàn sao lấp lánh môi mẹ mỉm cười

Con theo bước chân mẹ mẹ ơi!

Con sẽ theo bước chân của Mẹ, để con học giáo lý của Đức Thế Tôn, để con được Phật khai thị, để con noi gương của Ngài. Con luôn nhớ đến Mẹ, con thương Mẹ Mẹ ơi! Con thương Mẹ lắm.

Các bạn, nếu các bạn vẫn còn Mẹ, Mẹ ở thật gần các bạn, hãy gọi Mẹ, phương tiện quá dễ. Ngày xưa người ta gọi phone phải trả tiền, phải tốn thời gian. Ngày nay có những chương trình đặc biệt mà ta gọi phone dù xa ở Mỹ tới Việt Nam, ta vẫn gọi về Mẹ mà không mất tiền vậy mà sao chúng ta lại nỡ quên Mẹ. Có những cách gọi phone hoàn toàn không mất tiền, không tốn tiền mà chúng ta vẫn chắt chiu từng chút chẳng gọi Mẹ. Phật ngày xưa không có phone, Ngài phải lên tận cung trời bằng thần thông để thăm Mẹ. Ngày nay ta có phone, ta không thể có cơ hội về bên Mẹ được bởi sự ngăn trở về mọi phương diện, nhưng ít nhất vẫn còn một phương tiện tuyệt vời ta có thể gọi để nhìn thấy hình ảnh của Mẹ, để thấy những vết hằn trên khuôn mặt của Mẹ và chúng ta cảm nhận được những dấu ấn của cuộc đời mà Mẹ đã cam qua. Xói mòn tuổi trẻ, hư hao sức khỏe và đã hóa hiện cái sắc đẹp của Mẹ thành đất, để cho con mọc lên giữa cuộc đời. Mẹ như đất ôm ấp ta vào cuộc đời.

Chúng ta hãy biết gọi đến Mẹ, hãy đến thăm Mẹ qua phone hoặc thực tế tới để nhìn rõ ở trên khuôn mặt của Mẹ là ruộng phước điền đã đặt để chúng ta, đã gieo vào đó mầm sống nhân từ trong lòng của chúng ta để chúng ta hãnh diện rằng ta là con của Mẹ. Ta hãnh diện rằng Mẹ của ta mang phong thái thiên thần giáng trần, và Mẹ của ta có lòng từ tâm, có lòng từ tâm nhân ái, luôn luôn ân cần giúp tất cả mọi người trên thế gian. Bởi Mẹ luôn luôn như một người thợ may, thợ may có lòng yêu thương lớn để vá víu tất cả những mảnh đời tả tơi, nhất là mảnh đời tả tơi của các bạn, mảnh đời tả tơi của Bảo Thành. Chúng ta luôn được mẹ vá víu, vá lại cho lành lặn. Các bạn đã nhiều lần đau lòng, tim rỉ máu hoặc bị những sự ưu phiền, sầu muộn, khổ ở trong trần gian này, các bạn có thấy không. Từ thuở bé cho tới khi thật là lớn là cha là mẹ, là ông là bà vậy mà khi về với mẹ bàn tay khẳng khiu già nua theo năm tháng, tình yêu đã trao cho con đến mức mà khô cằn bàn da nhăn nheo. Thế mà khi sà vào lòng Mẹ để được Mẹ ôm vỗ về, ta hình như cảm nhận được Mẹ đang vá víu mảnh đời tả tơi, rách nát của chúng ta khi va chạm ngang dọc trong cuộc đời.

Các bạn! Các bạn hãy nhìn lên hằng hà tinh tú trên cõi trời mỗi đêm, các bạn sẽ nhìn thấy hàng ngàn sao lấp lánh và những sự lấp lánh của những ngôi sao tinh tú trên trời kia, đẹp, đẹp như môi Mẹ vẫn mỉm cười hằng đêm soi bước cho chúng ta đi. Vậy chúng ta hãy noi gương của Mẹ Mẹ ơi, chiều nay con nhớ Mẹ, con nhớ Mẹ lắm. Và con hứa con sẽ theo bước chân của Mẹ, và con hứa con sẽ noi gương Đức Thế Tôn hằng đêm lên thăm Mẹ. Khi Mẹ còn ở dương thế với chúng con, chúng con sẽ ứng dụng nhiều phương tiện nếu thật gần con sẽ thăm Mẹ. Nếu hơi xa con sẽ gọi Mẹ và nếu Mẹ đã xa, xa như tinh tú trên cõi trời con vẫn noi gương Mẹ và con sẽ noi gương Mẹ bước theo dấu chân để có thể học Đức hạnh của Thế Tôn. Thừa hưởng phước báu Mẹ trao truyền để con ứng dụng lòng từ tâm nhân ái của Mẹ đã ân cần giúp cuộc đời và sẽ hành động như Mẹ để tiếp bước theo Mẹ, biết vá víu những mảnh đời tả tơi bất hạnh đây đó mà con có nhân duyên gặp được. Để rồi cho muôn người nhìn lên trên thấy tinh tú ở trên trời, ở trên cung trời rạng ngời mà thầm hiểu rằng những sự lấp lánh của tinh tú đó như nụ cười của Mẹ, Mẹ hiền Quan Thế Âm. Con sẽ theo bước chân của Mẹ hiền Quan Thế Âm.

Các bạn, Mẹ Quan Thế Âm, là thể hiện của lòng Bi Mẫn, Từ Bi luôn cứu khổ, luôn vá víu những mảnh đời tả tơi, rách nát. Ngài tầm thinh cứu khổ, Ngài nhớ đến chúng ta, Ngài thương chúng ta và Ngài luôn luôn như tinh tú lấp lánh trên trời mỉm cười tươi như Cam Lồ Tịnh Thủy để chữa lành, vá víu những mảnh đời bất hạnh tả tơi của chúng ta. Hãy sống đúng như gương của Thế Tôn, luôn thăm và nhớ về Mẹ. Noi gương đức hạnh của Mẹ, hãy sống xứng đáng. Mẹ ơi! Chiều nay con nhớ Mẹ. Nhân ngày lễ của Mẹ, Bảo Thành thay mặt cho Tăng thân Chùa Xá Lợi ở Tổ Đình Maryland, Chùa Xá Lợi tiểu bang Pennsylvania và Chùa Xá Lợi ở tiểu bang Minnesota cũng như các bạn đồng tu bên Việt Nam hoặc đây đó. Gửi lời nguyện tới tất cả các Đấng Bậc sinh thành, tới các Mẹ, và nguyện chúc các Mẹ luôn bình an, hạnh phúc, tăng long phước thọ, tươi trẻ và là suối nguồn yêu thương cho con luôn được trở về để tắm gội và luôn trở về để được Mẹ vá víu sự tả tơi rách nát của cuộc đời chúng con. Mẹ ơi! Con yêu Mẹ và không phải chỉ có chiều nay, mỗi chiều, mỗi chiều, con luôn nhớ về Mẹ.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bây giờ Bảo Thành xem các bạn có chia sẻ gì cho ngày hôm nay hay không.

Dạ Mô Phật! Con Bảo Nghy kính đảnh lễ Thầy, kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Con xin cảm ơn Thầy có những lời khai thị đối với tất cả chúng con thật là xúc động. Và con nguyện sống hiếu đạo, hiếu hạnh với các Bậc sinh thành của mình và luôn nhìn theo ánh sáng của những tinh tú từ Mẹ, và từ Mẹ hiền Quan Thế Âm để theo những bước chân từ tâm nhân ái của các Ngài. Con xin cảm ơn Thầy rất nhiều. Con chưa thấy sự chia sẻ của ai cả, có lẽ mọi người cũng đang ở trong một tâm trạng xúc động như con, Mô Phật!

Mô Phật! Bảo Thành xin nhắc lại cùng với các bạn, noi theo gương của Đức Phật hằng đêm lên cung trời để thăm Mẹ. Nếu các bạn còn Mẹ đang sống ở cõi đời này gần hay xa, hãy luôn nhớ về Mẹ. Bởi Mẹ là biển trời yêu thương mênh mông vô tận, năng lượng tình yêu của Mẹ, là năng lượng siêu thế, có khả năng vá víu tất cả sự tả tơi, rách nát của mỗi người chúng ta. Hãy luôn nhớ và về thăm mẹ, còn như nếu Mẹ đã ra đi, thì các bạn nên nhớ Mẹ của các bạn và Bảo Thành, Mẹ của chúng ta mang phong thái của thiên thần giáng trần. Mẹ của chúng ta từ tâm nhân ái, và luôn ân cần giúp người và Mẹ của chúng ta luôn vá víu tất cả những mảnh đời tả tơi. Và các bạn ơi, chúng ta nếu Mẹ không còn trên dương thế vào mỗi buổi chiều khi tinh tú lấp lánh trên kia. Các bạn nhìn lên tinh tú soi rạng ở cung trời đó, các bạn sẽ nhìn thấy sao trời lấp lánh và thấy rõ môi của Mẹ chúng ta đang mỉm cười, để từ đó chúng ta noi gương Mẹ. Noi gương Mẹ để vá víu, để học, học đạo đức Thánh hiền của Phật dạy để tự vá víu cuộc đời tả tơi, rách nát của ta. Và để san sẻ yêu thương giúp đỡ những mảnh đời kia.

Một lần nữa ngày nhớ Mẹ, Bảo Thành gửi năng lượng yêu thương và gắn kết tới tất cả các bạn từ mười phương Chư Phật, Bồ Tát Thánh Hiền, tới tất cả mọi người chúng ta ở mọi nơi tràn đầy năng lượng yêu thương và luôn nhớ về Mẹ. Hãy về thăm Mẹ, hãy về thăm Mẹ.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Ngày lễ của Mẹ, con may mắn được chia sẻ về chủ đề Chiều Nay Con Nhớ Mẹ. Nguyện xin Chư Phật gia hộ cho chúng con có Trí Tuệ sáng suốt quán chiếu thấu rõ được tình yêu thương của Mẹ là cao cả vô bờ, vô bến, để noi gương đức hạnh của Phật, của Đấng Minh Tuệ biết về thăm Mẹ mỗi ngày trong cuộc đời của chúng con.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con thành tâm hồi hướng cho Mẹ.         

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts