Search

Bài 2086. Ăn Chay Tổn Phước | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Thưa Phật! Tại bây giờ, nơi quê hương Việt Nam của chúng con và các nước Á Đông, đại dịch lan tràn, màn đêm của sự hoảng sợ, lo âu, đau khổ, chết chóc đang bao trùm. Chúng con thành tâm trong buổi đồng tu này, nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi và thắp sáng đuốc tuệ để mọi người biết Chánh Niệm từ bi, tăng trưởng phước báu chuyển hóa ác nghiệp để đại dịch mau qua.

Nguyện xin sự gia trì của Chư Phật, Chư Bồ Tát, Thánh Hiền.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ rằng lời Đức Phật dạy hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát luân hồi sanh tử và lấy tâm từ bi để nuôi dưỡng trí tuệ của chúng ta. Chánh Niệm hơi thở Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn lấy lời chỉ dạy đó của Đức Phật để thực hành trong từng giây phút của cuộc sống. Với mật ngôn Mu A Mu Sa, ta phát huy lòng từ bi của chính ta và gắn kết với năng lượng tình thương của Chư Phật mười phương để thắp lên đuốc tuệ trong sự Chánh Niệm quán chiếu thân tâm của mình. Năng lượng chúng ta đón nhận được bằng sự thanh tịnh Chánh Niệm sẽ giúp cho chúng ta thấu rõ được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã Và Niết Bàn. Trong từng giây phút Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán, mỗi người chúng ta với tâm chí thành, khiêm tốn đón nhận để thực hành.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn! Trong Thiền Mật song tu, mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có ý nghĩa nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn luôn phải thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở của đời sống hàng ngày, quán chiếu Tam Pháp Ấn mà Đức Phật đã dạy đó quán là quán chiếu sự vô thường nơi mọi cảnh giới, mọi pháp, mọi hiện tượng của đời sống, từ hiện tượng của vật chất, tâm lý, sinh lý, vật lý đều vô thường sanh – diệt, không tồn tại, không bền vững mãi mãi và tùy theo nhân duyên thị hiện rồi biến mất cũng vì nhân duyên. Thấu hiểu được sự vô thường của vạn pháp đó giúp cho mỗi người chúng ta sẽ chuyển hóa được khổ đau và phiền não, và nếu không thấu hiểu mà cho rằng trên đời này, tất cả các pháp, các hiện tượng, những gì ta có thể sờ, cảm nhận, nhìn thấy như thân xác, như vật chất, như không khí, như tất cả đều luôn luôn tồn tại để rồi chấp bám vào đó thì sẽ tạo ra đau khổ mà khó có thể chuyển hóa được. Cốt lõi mà chúng ta không chấp nhận sự vô thường vẫn tới từ bản ngã, cho nên trong mật ngôn này luôn luôn hướng chúng ta trở về xoay chuyển sự suy nghĩ của mình, nhìn rõ các pháp là vô thường và nhìn rõ rằng các pháp cũng vô ngã để không còn bám víu trong một sự tồn tại nào đó của những cảm xúc, những sở thích để tránh đau khổ, phiền não tới với chúng ta. Cho nên mật ngôn này cao siêu, chẳng phải mang lại sức mạnh, chẳng phải tạo ra cho chúng ta một nguồn năng lượng siêu thế bay bổng trên trời mà là thắp sáng đuốc tuệ để nhìn thấu. Bởi Đức Phật nói, riêng chỉ có trí tuệ, chỉ có trí tuệ trong con đường thực tập Phật pháp mới cởi trói cho chúng ta khỏi mọi sự ràng buộc của mê muội, lầm chấp của si mê, tham ái, tham dục. Do đó Bảo Thành và các bạn luôn luôn lấy quán chiếu trí tuệ và từ bi làm kim chỉ nam để hướng dẫn con đường tu tập của mình từng bước, từng bước khám phá và tìm hiểu, lìa xa các pháp ác, tránh mọi đau khổ và phiền não ngay trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm được những điều như vậy thì nhất định chúng ta sẽ có được sự thanh tịnh từ Thân – Khẩu – Ý và những bất thiện nghiệp không bao giờ tái lập trở lại, dành nhiều cơ hội cho chúng ta thực hiện những pháp thiện tạo được phước báu, tăng trưởng đời sống, nhất định kết thúc cuộc đời này là biết bao nhiêu tư lương đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành trình với những hành trang đi về cõi thiện lành thì có đâu mà sợ hãi khi ngày cuối tới với cuộc đời.

Chủ đề: “Ăn Chay Tổn Phước”, Bảo Thành và các bạn nghe qua nếu như không suy nghĩ kỹ thì chúng ta thấy nghịch lý bởi vì tại sao ăn chay lại tổn phước?

Các bạn thân mến! Ăn chay chỉ là một phần trong đời sống tu tập pháp Phật mà thôi! Bởi ăn chay là tránh sát sanh, giữ được giới thứ nhất để không tạo nên những chướng duyên, oan gia trái chủ, oán oán nhiều đời tái lập lại khi chúng ta sát hại mạng sống của các chúng sanh khác chỉ vì mục đích mưu sinh, tồn tại trên đời cho cái tôi của mình, cho cái ngã của mình. Cho nên, ăn chay là để tránh sát sanh và tăng trưởng tình thương, lòng từ bi lan tỏa đến muôn loài có được sự sống trên hành tinh này mà ta có nhân duyên diện kiến trong một kiếp đời ngắn ngủi. Nhớ thật rõ những điều này để chúng ta thấy ăn chay chỉ là một phần trong công hạnh tu tập để giữ giới thứ nhất và phát triển, tăng trưởng tâm từ bi của chúng ta. Ăn chay không phải là cốt lõi như một pháp vi diệu bao trùm tất cả các pháp để từ đó trong cuộc sống của người tu, ăn chay luôn luôn thành chủ đề để bàn tán, để soi mói, diễn giải và đặt nó lên một hình tướng quá cao trọng để mỗi người đều lệ thuộc vào hình thức ăn chay.

Nhớ lại thuở xa xưa khi Đức Phật còn tại thế, Ngài dạy giới thứ nhất là không sát sanh. Và để tránh đi sự sát sanh đó, các đệ tử của Đức Phật được Đức Phật nhắc nhở cố gắng không để nuôi sự sống bằng cách giết hại các loài chúng sanh. Cho nên, Ngài khuyên bảo các chúng đệ tử khi đi khất thực hãy đón nhận những gì người dân cúng dường với tâm thanh tịnh, với Tâm – Khẩu – Ý thanh tịnh, Thân – Khẩu – Ý thanh tịnh, đón nhận những gì họ cúng dường, cúng gì ăn đó với tâm quán chiếu không trông đợi, không chấp trược, mang trí tuệ và lòng từ bi ra để hồi hướng và thọ nhận như là phẩm vật, như là dược vật để nuôi thân. Và thật sự trong cuộc sống của Đức Phật 45 năm trời hoằng pháp trên dương thế và cuộc đời của các đấng đại đệ tử Thánh Tăng thời đó cũng y như vậy mà làm, chẳng tranh chấp, chẳng soi mói. Ăn, đôi khi có những vật là thực vật, cũng có những đồ ăn là động vật mà người Phật tử cúng dường với tâm thành, các Ngài đều thọ nhận. Trong tâm của các Ngài không bao giờ mong cầu người ta phải giết súc sanh để cúng dường hoặc là cúng dường bằng thứ thực phẩm như thế nào, trông đợi từng bữa, hoặc tới những nơi nhà giàu, phân biệt, chê bai những nhà nghèo để đón được những sự cung phụng thực phẩm ngon miệng. Các Ngài bình đẳng đi từng bước, từng khu phố từ nghèo đến giàu, từ giàu đến nghèo, nhận vừa đủ để ăn, để sống và các Ngài đi và quán chiếu, mang tâm từ và trí tuệ soi sáng cho chính mình từng bước chân an lạc đi vào cuộc đời đón nhận phẩm vật cúng dường và hồi hướng cho muôn loài. Chính vì thế mà ngày xưa, sự ăn uống của Chư Phật, của Chư Bồ Tát, Thánh Hiền Tăng, đại đệ tử thời đó chẳng có gì phải lập thành biên bản, Kinh dịch hoặc văn luận bàn cãi đúng – sai mà chỉ giữ giới thứ nhất không sát sanh, vậy là đã đủ.

Trải qua những thời kỳ mà Phật giáo đi về các nước ở miền Bắc cũng như các nước ở miền Nam Ấn Độ, rồi mỗi một dân tộc, mỗi một hoàn cảnh, mỗi một phong tục, mỗi một thời điểm của lịch sử, các Bậc Thánh Tổ, Chư Tổ mới khế hợp với điều kiện hiện có, bổ túc thêm những ý nghĩa về ăn chay để cho đồ chúng, đệ tử có cơ hội tăng trưởng lòng từ bi, giữ giới thứ nhất nghiêm mật hơn trên con đường công hạnh tu tập tạo ra nhiều phước báu. Thế nhưng, thời gian cứ trôi qua, hàng đồ chúng, hàng Phật tử và đệ tử lại múa may, diễn tuồng thật nhiều, tô điểm cho sự ăn chay thay vì chỉ là một phần trong công hạnh tu tập thành cốt lõi của sự tu, và từ đó như hai võ sĩ so găng trên sàn đài, ai không ăn chay là bắt đầu bị đánh no đòn. Bởi vậy trong những thời thời kỳ qua của lịch sử cũng như trong quá khứ của hiện tại thời nay, biết bao nhiêu sự rối rắm, tranh cãi về phần ăn chay sao cho đúng và rồi người ta còn nâng tầm ăn chay lên: “Nếu không ăn chay thì không thể tu và tu không bao giờ chứng” chứ nào ai biết được cốt lõi của sự ăn chay là giữ giới thứ nhất và tăng trưởng lòng từ bi.

Trong Phật giáo Nguyên Thủy dựa theo truyền thống của Đức Phật xa xưa mà ngày nay vẫn còn, các bậc hòa thượng, các bậc thượng tọa, đại đức trong phái Nguyên Thủy, từ những nước Nam Tông, Nam Truyền như Campuchia, Bhutan, Nepal, Ấn Độ và tất cả các dòng truyền thừa theo Nam Truyền đều hưởng thọ thực phẩm vào buổi trưa lúc 11 giờ sáng, ăn một ngày một bữa, đủ ăn, đủ sống để nuôi thân mà tu hành, chuyên chú trên con đường tu. Và Phật tử tùy ý với lòng thành, tôn kính, cúng dường các Ngài những vật thực nuôi thân từ thực vật hoặc động vật. Đó vẫn là con đường trải qua 2560 mấy năm trời từ thời Đức Phật cho tới nay vẫn còn. Nhưng Phật giáo khi bắt đầu hoằng truyền vào các nước Bắc Tông, có nghĩa là về phía Bắc như bên Trung Hoa qua Việt Nam rồi qua Tây Tạng, qua nước Nhật, nước Đại Hàn, các Chư Tổ thấy các vùng đất nước đó, cuộc sống dư giả, đồ ăn có nhiều nên tăng trưởng trong bộ luật của sự ăn uống, đưa vào thêm phần ăn chay để thúc đẩy các đệ tử chú trọng đến lòng từ bi, đừng sát sanh và đừng đắm chìm vào vấn đề tham ăn, tham uống để quên đi công hạnh tu tập. Mỗi một vị Tổ lại thêm chi tiết thêm một chút để căn dặn đệ tử của mình làm cho đúng, hầu tránh nghiệp sát sanh và tăng trưởng lòng từ bi. Nhưng rồi Phật tử ở trong vùng đó cũng như đồ đệ bắt đầu mở rộng ra, rắc rối tính từ chỗ đó. Ngày nay đã lan truyền trong Bắc Tông, Đại Thừa, ăn chay hình như là một chủ đề thường tranh cãi và coi như rằng ăn chay là cốt lõi đưa chúng ta đến sự giác ngộ. Mấy ngàn năm trôi qua, vẫn cứ như thế.

Hôm nay chủ đề: “Ăn Chay Tổn Phước” là để ngầm nhắc nhở cho những người Đại Thừa, những Phật tử thuộc Bắc Truyền, chúng ta nhớ, rải rác trên mạng, rải rác trong những câu chuyện và ngay chính sự trải nghiệm của chúng ta vẫn thấy chướng con mắt vô cùng về vấn đề ăn chay. Các bạn đồng tu gặp nhau, nếu họ ăn chay mà ta không ăn thì ta cảm thấy kỳ, mà ta ăn chay mà họ ăn không đúng theo như suy nghĩ của ta cũng là vấn đề để lan truyền sự chướng ngại. Cãi cọ, tranh chấp, luận bàn, đấu đá, đủ mọi thứ. Ăn chay, ăn chay để rồi chúng ta nhìn người khác, miệng tuôn ra những lời phải trái thì cái miệng không ăn thịt nhưng đã tuôn ra những lời thô ác, châm chọc, chê bai, ganh ghét, gièm pha thì đó gọi là ác ngữ, khẩu tạo nghiệp. Ăn chay có thể không sát sanh nhưng miệng đã nói những lời gièm pha, đâm thọc, thô ác thì miệng này đã sát sanh. Nhìn ngay miệng thôi thì phước báu của sự ăn chay và nghiệp bất thiện nghiệp từ những ngôn ngữ nói ra, nó đã bị triệt tiêu rồi. Chưa kể những ngôn ngữ của chúng ta nói, nó đi tới từ những luồng tư tưởng trái biệt, phân biệt, chấp thủ thì ý đã tạo nghiệp, miệng đã tạo nghiệp rồi lại tạo ra những hành động, tạo tác chia rẽ, gièm pha, tranh chấp, so kè ăn chay đúng, ăn chay sai.

Nếu các bạn tìm vào những Kinh điển của Đức Phật thời xưa có lẽ vẫn còn thấy bởi Đức Phật hồi xưa đâu có chép Kinh, có chăng là đệ tử sau này trải qua nhiều thời gian của dòng lịch sử, có thêm có bớt nhưng lấy đời sống đích thực, cụ thể của Đức Phật nơi quốc độ Ấn Độ thời đó, 45 năm trời chưa bao giờ bằng đời sống của Ngài, cứ mang sự ăn chay ra bàn cãi mà chỉ đón nhận bằng tâm từ bi – trí tuệ mà thôi. Lãnh vật thực, thực phẩm Phật tử cúng dường nuôi thân như dược phẩm và rồi từ đó quán chiếu, hồi hướng cho bá tánh. Nhắc để chúng ta nhớ lại rằng phận làm người sống ở các nước Bắc Truyền, Đại Thừa thường hay bị dính vào chỗ ăn chay cho nên dù có ăn chay, chúng ta vẫn tổn phước, chẳng tăng trưởng được phước báu. Bởi trong sự ăn chay của chúng ta có những trường hợp rằng, ngày đó ăn chay, xếp cho nó rõ ràng, mong ăn chay cho nhanh, đúng ngày đó phải sắp xếp giữa thời khóa ăn chay, khi qua ngày một cái là đã có sẵn sàng những đồ ăn mặn ngon lành, chỉ chờ vừa qua thời ăn chay thôi là chúng ta lại nhào vào đời sống ăn uống bình thường, thì ăn chay đó chỉ là ăn chay hình thức.

Mà đúng! Có nhiều người ăn chay, đợi cho hết thời đó là bắt đầu trên bếp, trong nhà đã chuẩn bị sẵn sàng những đồ gọi là cao lương mỹ vị để thưởng thức thì sự ăn chay đó quá khuôn mẫu trên hình thức, chẳng tạo được phước báu, tổn phước các bạn ơi. Bởi vì chính ta đã giả dối với tâm của mình, nhưng so ra thì cũng tạo được một phần phước nhưng phần phước đó quá nhỏ. Chưa kể chúng ta ăn chay như một hình thức để rồi chúng ta mang ra như để trang điểm, tô vẽ cho con đường tu tập Phật học, mà gặp những người khác không ăn chay, không ăn đúng, ta bắt đầu bàn luận, thêm bớt thì tạo ra khẩu nghiệp vô số. Ăn chay chỉ được một chút phước nhưng nghiệp khẩu tuôn ra, tổn phước thật nhiều, tính cho kỹ, kết toán cuối ngày, chẳng có chút phước nào mà tổn phước thật sự.

Nếu tìm kỹ thì trong đời sống của Đức Phật chưa bao giờ liệt kê ra một công thức ăn chay phải như vậy, phải như kia, Ngài chỉ cấm sát sanh bởi tạo nghiệp hận thù oan gia trái chủ và nghiêm cấm các đệ tử thời đó đừng khuyến khích Phật tử sát sanh để mình ăn, cho nên họ cúng gì ăn đó, chớ nhìn thấy, chớ suy nghĩ miên man để có sự mong cầu hưởng dụng. Nhưng ngày nay ăn chay, từ vấn đề ngũ tân cho đến vấn đề ăn trứng, cho đến vấn đề ăn này ăn kia, chúng ta so kè đủ thứ, và đi đâu, nhất là đệ tử thuộc về hệ phái Đại Thừa của chúng ta, chúng ta so đủ mọi thứ, so ngắn so dài, so trên so dưới, chẳng bao giờ chú ý đến sự ăn chay là để tăng trưởng lòng từ bi, không phạm giới sát sanh là để thanh tịnh Thân – Ngữ và Ý. Ăn chay chỉ là một phần nhỏ nhưng Thân – Ngữ – Ý bạo động, không thanh tịnh thì phước báu đâu có.

Chắc chắn các bạn và Bảo Thành trong cuộc sống đã trải nghiệm nơi tự thân của mình qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Phật tử, các bạn đồng tu hoặc các bậc xuất gia, thấy vấn đề ăn uống không hợp khuôn mẫu như định kiến mà chúng ta học, thu lượm, gom lại cho mình như một cẩm nang để tu, nếu không giống như vậy thì lòng của chúng ta đã tuôn ra những ngôn ngữ, tâm của chúng ta đã khởi lên những tư tưởng sai trái, tạo nghiệp rồi. Các bạn xét kỹ đi, các bạn có thấy điều đó không? Cho nên thật sự, ăn chay đúng là phải thanh tịnh Thân – Ngữ – Ý đồng hành với sự ăn chay, chẳng phải ăn chay để ôm khư khư, chấp vào đó mà Thân – Ngữ – Ý chẳng thanh tịnh thì như vậy, trái ngược lại lợi ích ăn chay để tạo phước thì chúng ta đã biến ăn chay thành hình thức và tổn phước vô cùng. Thay vì ta không ăn chay, cũng ăn uống như bao nhiêu con người, có gì ăn đó với mục đích tránh sát sanh là đủ, mà giữ được Thân – Ngữ – Ý thanh tịnh tuyệt đối, Chánh Niệm hơi thở trong từng giây phút, quán chiếu tâm từ bi để tránh sát sanh và quán chiếu trí tuệ để nhìn rõ vạn pháp vô thường sanh – diệt thì nhất định chúng ta sẽ tạo được phước thật nhiều. Bởi ăn chay mà chúng ta còn để cho Thân – Ngữ – Ý bạo động, không thanh tịnh là chúng ta vẫn nâng tầm của cái tôi, cho nên mật ngôn số 02 quán chiếu vô ngã chính là chìa khóa để chúng ta chuyển hóa cái tôi của mình. Khi cái tôi quá lớn, chúng ta bắt đầu, bắt đầu xen vào chuyện của những bạn đồng tu, của những chúng sanh khác, của Phật tử khác. Đức Phật không xen vào nghiệp của chúng sanh, trên con đường tu, chúng ta thích xen vào chuyện của người khác. Khi chúng ta đã làm sai lời dạy trong Kinh Pháp Cú mà Đức Phật dạy là chớ thấy lỗi người, khi xen vào nghiệp của người khác, dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp thì chúng ta đã sai là bởi vì đã để cho tâm phóng dật, để cho tâm của chúng ta chạy, nhảy, múa, nói theo Phật ngữ là phan duyên, tức là lắm chuyện. Phan duyên tức là lắm chuyện thì làm sao tạo được phước?

Mỗi người ăn chay, nhớ chìa khóa, ăn chay chỉ là một phần trong công hạnh tu để giữ được giới thứ nhất là không sát sanh và tăng trưởng tâm từ bi. Nó chẳng phải là cốt lõi để thành tựu nhưng đó là một sự thực hành phát triển tâm từ và thắp sáng đuốc tuệ để đối xử với chúng sanh bình đẳng, chuyển hóa những hận thù oan trái nhiều kiếp ta đã phạm. Nhưng nếu ăn mà không sát sanh với tâm từ bi quán chiếu thì tất cả các vật thực có được trong hàng ngày chúng ta ăn chỉ là dược vật nuôi dưỡng thân, với tâm thanh tịnh Chánh Niệm từ bi thì tạo phước vô số, hơn là ăn chay mà tính sổ, thêm bớt, so kè, đâm thọc, so sánh thì chẳng tạo được phước mà còn tổn phước. Cho nên, chủ đề: “Ăn Chay Tổn Phước” hôm nay hàm ý nói về dạng ăn chay mà cứ đi đấu đá, ăn chay mà cứ vỗ ngực xưng tên: “Ôi! Tôi ăn chay trường 10 mấy năm trời.”, “Tôi ăn chay”, “Tôi ăn chay trường”, “Tôi ăn chay” như là một bài ca lúc nào cũng ca, lúc nào cũng hát, ca ngợi tự thân, khoe khoang đủ thứ rồi khi thấy người khác ăn chay khác với kiểu của ta ăn chay là bắt đầu miệng tuôn ra, tư tưởng trào ra và những hành động sai trái nó thấy rõ ngay tại chỗ. Điều đó tổn phước, không cần biết các bạn là Phật tử tại gia hay là các đấng xuất gia mà nếu còn có tâm ý như vậy đều tổn phước.

Cho nên ăn chay, các bạn nhớ, chẳng phải là cốt lõi để thành Phật mà phương tiện đó được Đức Phật nhắc nhở một cách tinh tế rồi các Chư Tổ tăng trưởng, phát thêm cho rộng rãi với ngôn ngữ đời thường để giảm thiểu số sự ăn uống, đam mê tạo ra nguồn thỏa mãn hương vị của miệng, tạo ra nghiệp sát nên các Ngài nói ăn chay để kìm giữ chúng ta tánh sát hại đời sống của chúng sanh khác và rồi quán chiếu tâm từ bi. Đó là một phương tiện tốt nhưng phải làm đúng! Ăn chay thì phải giữ cho Thân – Khẩu – Ý thanh tịnh. Và mỗi một phương pháp ăn chay của từng nhóm người, của từng Phật tử, của từng thôn, từng làng, từng địa phương, từng hoàn cảnh đều khác. Dĩ nhiên trong các món ăn đời thường, ngoài vấn đề súc vật ta giết ăn thì trong ăn chay còn kèm theo những món kiêng cữ khác là bởi vì Chư Tổ thấy, ngoài súc vật ta ăn vào tăng trưởng năng lượng hận thù vào trong cơ thể, tạo ra bệnh và tâm bất ổn, luôn luôn tồn tại những năng lượng bất tịnh, tiêu cực bởi sân hận của chúng sanh thì trong vấn đề thực vật, có những loại rau quả có những chất hóa học tăng trưởng sự kích thích về tánh dục như ngũ tân, các thứ hành, hẹ, tỏi nặng mùi và nó tăng trưởng phần tánh dục nên Chư Tổ mới đưa thêm vào là không được ăn bởi sợ Tăng thân, đại chúng tu tập mà ăn nhiều thì tăng trưởng tánh dục, khó kìm giữ rồi phạm giới, phạm giới thứ 03, giới dâm dục. Hàm ý điều đó phải hiểu thông!

Nhưng ngày nay người ta lại không nghĩ sâu sắc như vậy, người ta đặt vào trong những từ ngữ của những món ăn đó như là ăn vào thì quỷ ma nó tới nhiều, chuyện này chuyện kia. Không phải! Thật ra, ăn vào, trong các chất đó có chất kích thích, tăng trưởng tánh dục và từ đó chúng ta khó kiềm chế thân tâm, trên con đường tu, mất đi sự thanh tịnh. Phải hiểu thấu theo khoa học như thế và phải hiểu như vậy để chúng ta cởi bỏ những phương tiện mà các Bậc Tổ ngày xưa dùng những thuật ngữ để mà răn đe. Thuật ngữ răn đe các bạn biết rồi, nếu các bạn chưa hiểu thì thuật ngữ đó thật tốt cho một số người, nhưng không cần thiết khi đã hiểu. Quan trọng là tâm phải được làm chủ. Mà để tâm làm chủ thì phải Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu trí tuệ, tăng trưởng lòng từ bi để từ đó chúng ta làm chủ được tâm của mình. Khi làm chủ được tâm, dù bước qua hầm lửa, trước cửa sanh tử, rơi xuống hố sâu, gặp thú dữ và thử thách, chướng ngại, tâm vẫn an nhiên tự tại. Ví dụ như Ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức, tâm đã được làm chủ, ngồi giữa đống lửa đốt thiêu mà Ngài vẫn an nhiên tự tại cho nên Ngài mới trở thành trái tim Bồ Tát để lại xá lợi bằng trái tim. Và có biết bao nhiêu những Bậc Tổ tâm đã tự tại như Ngài Tuyên Hóa, bị nhốt trong tù, bị đánh, Ngài vẫn chẳng có gì sờn lòng, sợ hãi. Như Ngài Hư Vân đã từng trải qua những cuộc nội chiến của Trung Hoa, nhốt tù, đánh đập, đủ mọi thứ mà Ngài vẫn bình tĩnh và chúng ta thấy Ngài Hư Vân tuyệt vời. Ngài sống bình thường như muôn người, tóc vẫn dài, râu vẫn dài nhưng tâm thanh tịnh tuyệt đối. Quan trọng là làm chủ được cái tâm.

Cho nên, ăn chay, các bạn nhớ, chỉ là phương thức và phương tiện của Chư Tổ đặt ra để giúp cho hàng đệ tử, hậu duệ sau này kiềm hãm tâm tham ăn, tham uống, tránh sát sanh, tăng trưởng lòng từ bi. Vốn liếng trở lại vẫn là sự Chánh Niệm tu tập từ bi và trí tuệ để tâm của chúng ta được tu luyện, tâm của chúng ta được huấn luyện và tâm của chúng ta được làm chủ bằng tánh biết. Từ đó mà khế hợp nhiều phương tiện hiện hữu trong cuộc đời theo nhân duyên, giữ tâm Chánh Niệm từ bi và trí tuệ, làm chủ được nó, để làm gì? Để chuyển nghiệp, thoát khỏi sanh tử. Cho nên các bạn, nếu chúng ta ăn chay, nhớ là sẽ tổn phước bởi ăn chay mà không giữ Thân – Ngữ – Ý thanh tịnh, cứ so sánh, cứ đâm thọc, cứ hơn thua.

Chúng ta thấy khoảng chừng ba, bốn tháng trước, có những câu chuyện, rồi những anh em YouTuber soi, đưa lên trên mạng chuyện vị này, vị kia không ăn chay, ăn mặn, ăn thịt ồn ào ba, bốn tháng trời, có lợi lạc gì đâu. Mỗi người một nhân duyên, đúng là ta soi tâm mình nhìn kỹ, phát triển lòng từ bi, thắp sáng đuốc tuệ, bởi nghiệp ai người đó chịu, ai ăn người ấy no. Thế mà cuộc sống ngày nay, người ta ăn người ta no, người ta làm việc đó người ta tạo nghiệp mà ta soi vào, ta đâm, ta thọc, ta đánh ngược đánh xuôi, hóa ra vì họ mà ta đã tạo nghiệp cho thân, như vậy thì dù các bạn có ăn chay cũng tổn phước bởi Bảo Thành nhớ trong thời kỳ đó, biết bao nhiêu người đấu đánh bằng miệng, bằng văn tự, bằng Facebook, bằng Zalo, thông tin đại chúng và rồi tự xiển dương mình là người ăn chay, họ không đúng, đủ hết nhưng mà ăn chay như vậy tổn phước các bạn. Ăn chay là phần của ta. Người ta có quyền tự do làm gì của người ta, còn ta là phải tu tập để làm chủ tâm. Thế mà thời gian ấy, biết bao nhiêu người ăn chay vỗ ngực xưng tên, tạo ra cả một phong trào theo chiều dài ba, bốn tháng, lộn xộn thế giới mạng và các anh em YouTuber rầm rộ kéo theo, ồn ào cả thế giới nhỏ bé trên mạng của cộng đồng Việt Nam của chúng ta.

Các bạn cứ thử đi du lịch qua các nước Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka, Campuchia, Lào, Bhutan, Nepal, chúng ta sẽ có cơ hội diện kiến các bậc thượng thủ ở bên đó, cúng gì ăn đó. Ngay cả Miến Điện, đâu cũng vậy, cho nên đừng vì quá cặn kẽ đâm ra so kè trên vấn đề ăn chay để mà chúng ta ăn chay tổn phước báu của mình. Hãy nhớ, trong sự ăn chay cần phải giữ cho Thân – Ngữ – Ý thanh tịnh, đồng hành nhất như với nhau. Đừng để miệng ăn chay mà muôn trùng những ngôn ngữ tuôn ra tạo nghiệp, tư tưởng chảy ra như dòng suối lẫn lộn trong gai góc, độc dược và đừng để cho hành động của chúng ta sa đà vào con đường tranh chấp, hơn thua, đúng – sai tạo nghiệp.

Ăn chay cần phải giữ cho Thân – Khẩu – Ý thanh tịnh thì phước báu vô lượng bởi ta tránh được nghiệp sát, tăng trưởng được lòng từ bi và đối xử với chúng sanh bình đẳng. Không những thế, về mặt vật lý và vấn đề thân, ăn chay là một dược liệu thật tốt giúp cho chúng ta loại trừ những loại độc dược trong tánh sân của các loài thú và cũng như chúng ta giúp cho mình tăng trưởng lòng từ tâm, giúp cho thân có hệ thống tiêu hóa gọn gàng, nhẹ, tránh những sự tồn dư không cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể nhẹ nhàng, bớt bệnh, cho tâm thanh tịnh, cho lòng thảnh thơi.

Các bạn nhớ! Ăn chay tổn phước nếu không giữ Thân – Ngữ – Ý thanh tịnh.

Cảm ơn các bạn đã nghe!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Chúng con hiểu rằng sự ăn uống, đón nhận với quán chiếu trong Chánh Niệm thì tất cả mọi vật thực đưa vào trong miệng là dược liệu nuôi thân, tri ân tấm lòng của tất cả các vị đã tạo ra thực phẩm đó và hồi hướng cho họ. Ăn chay là diệu dụng phương tiện của Chư Tổ, nguyện giữ Thân – Khẩu – Ý thanh tịnh để sự ăn chay của chúng con trở thành phương tiện giúp tăng trưởng phước báu, không đi ngược lại con đường để tổn phước.

Xin Chư Phật soi sáng và chứng minh để chúng con ăn chay cho đúng.”

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Mời các bạn hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có tới tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo và đặc biệt hồi hướng công đức này cho quê hương Việt Nam chúng con chóng thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts