Search

Bài 2073. Sao Lại Hững Hờ | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh bút ký, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ để quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở nhận ra các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con thành tâm nguyện cầu và hồi hướng cho quê hương Việt Nam chúng con và các nước Á Đông đang bị đại dịch lây lan có đầy đủ phước báu để đại dịch tiêu tan, muôn người hạnh phúc. Cũng thành tâm hồi hướng cho tất cả quý Phật tử đang lâm trọng bệnh gặp thầy gặp thuốc, tiêu tai bệnh tật. Nguyện xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Hãy ngồi xuống thật nhẹ, thư giãn toàn thân, buông bỏ muôn sự ở đời, thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, xoay ngược nhìn vào trong tâm, quán chiếu thân này là huyễn giả, vô thường và tâm này biến động từng sát na. Với mật ngôn Mu A Mu Sa, chúng ta hãy thành kính đón nhận năng lượng từ bi tình thương của Chư Phật, với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta hãy tự thắp sáng đuốc tuệ, nương vào trí tuệ của Chư Phật để soi rọi vào mọi miền tâm thức nhìn cho thấu, nhìn cho rõ, cho hiểu để chúng ta buông và xả mọi phiền não.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Chỉ với hai mật ngôn đơn giản hòa quyện vào với hơi thở chậm rãi từ từ vào ra trong Chánh Niệm, với lòng thành kính, với tâm tôn kính mười phương Chư Phật một cách khiêm tốn, chẳng một chút ngạo mạn tự cao, với phước báu thật nhỏ của mỗi người chúng ta, Chư Phật đã ban rải năng lượng tình thương, tha lực Phật điển đại từ đại bi tới mỗi một con người, Bảo Thành hiện đang tràn đầy năng lượng nơi thân và tâm, trí tuệ thật sáng bởi mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Câu nói: “Đèn nhà ai người đó sáng”, ánh tự tâm nếu không thắp làm sao có thể thấy đường sai trái, thiện ác để thực hành?

Thực tập giáo pháp của Đức Phật hằng ngày một cách miên mật, liên tục không ngừng giữa cuộc đời thật bận rộn, nhiều thật nhiều sự lo lắng trong cuộc đời hoặc muôn sự vui thú lôi kéo, ta cũng chẳng màng đi theo mãi mà vẫn dừng lại một chỗ cho mình thời gian chăm sóc cho cuộc sống tâm linh thì chúng ta sẽ đón nhận được sự an lạc và hạnh phúc, niềm vui tưởng chừng như đã chết sẽ trở về lại với chúng ta, sức khỏe tưởng chừng như đã cạn kiệt trong những cơn bệnh, nay được phục hồi, và biết bao nhiêu sự đau khổ ở đời dồn dập tưởng chừng muốn nuốt chúng ta vào cuộc đời đầy cạm bẫy dần dần vơi, tiêu mất để lại trong ta niềm an lạc và hạnh phúc.

Thực tập lời của Phật mang lại lợi lạc vô cùng!

Lời Phật không phải là vật trang trí cho những ngôn từ đẹp để dán trên tường, đặt trên kệ. Lời của Đức Phật cũng chẳng phải như một bảng hiệu hoặc những con chữ quảng cáo trên những điều đã đọc, đã biết, đã hiểu, nhưng lời của Đức Phật phải đưa vào thực hành trong cuộc sống. Lời của Phật là lời của sự sống nếu thực hành. Lời của Phật là chân ngôn mang lại hạnh phúc và bình an nếu thực tập. Lời của Phật là mật ngôn phá vỡ tất cả những gì bị phong kín, bị che kín để chúng ta hiểu thấu tất cả những gì ở bên kia sự nhận xét và hiểu thấu một con người. Nếu thực hành lời của Phật, ta sẽ thấy được muôn điều kỳ diệu và sự nhiệm mầu sẽ tới với chúng ta bởi chúng ta khám phá ra rằng cuộc sống của chúng ta chẳng phải như những điều ta đã thấy để lao khổ mãi mãi trong cuộc đời với những thứ vụn vặt, bon chen, chấp chược, tranh chấp, hơn thua từng lời nói, hành động và suy nghĩ, vật chất so kè, tiền tài so đo, muôn sự cứ như vậy mà so, mà đong, mà cân để rồi chúng ta suốt cuộc đời cứ vùi đầu vào những thứ như vậy, khổ thì thêm nhiều từng ngày, hạnh phúc thì bớt dần từng phút. Thế là phiền não!

Đừng đợi đến khi tổn phước chúng ta mới tu tập. Đừng đợi đến khi hết phước mới nghe lời của Phật mang vào ứng dụng. Bất cứ chuyện gì trên đời, đừng để cho bão tố, mưa giông ngập lên tới đầu mới sắm bè, sắm thuyền để lội. Đừng để cho lửa cháy hết cả nhà mới vội vàng đi dập tắt. Đừng để cho cuộc đời tràn đầy đau khổ và bất hạnh thì lúc đó mới đi tìm chân lý. Những lúc như vậy sẽ khổ lắm ai ơi!

Bảo Thành hạnh phúc bởi mỗi một ngày vẫn còn có sức khỏe, vẫn còn có sự tự tại an vui, giọng nói vẫn đủ để các bạn nghe, tinh thần vẫn sáng để ngồi đây tĩnh tọa. Dù có bận rộn như các bạn nhưng chúng ta là những bạn đồng tu có duyên, đầy đủ phước báu, chẳng phải hứa hẹn cho một cuộc họp để mưu cầu danh lợi, quyền lực, tiền tài ở thế gian nhưng chúng ta có một cuộc hẹn mỗi một ngày để ngồi xuống xả bỏ, thanh lọc thân tâm với sự tịch tĩnh trong hơi thở của Chánh Niệm, tiếp năng lượng từ bi, thắp sáng đuốc tuệ nhìn rõ một ngày đã qua hoặc một ngày mới tới để cuộc sống từng giây, từng phút ta tràn đầy năng lượng. Sức sống của chúng ta luôn luôn có sự tịnh dưỡng trong suốt bởi nhìn rõ các pháp lui tới vô thường, chẳng chấp vào ngã tướng của riêng mình để tự cao, tự mãn, kiêu kỳ trong cuộc đời.

Với chủ đề: “Sao Lại Hờ Hững” hình như rất phù hợp trong cuộc đời! Các bạn và Bảo Thành đã nhiều lần hờ hững với mọi người hoặc hờ hững với ai đó bởi khi có sự tương tác, va chạm trong sự không thông cảm và hiểu biết, ta tự ái, tự ái một cách dồn dập để ta xoay lưng hờ hững, chẳng thèm nhìn người ta. Có lẽ có thêm một chút hờn dỗi cùng với tự ái mà ta hờ hững với mọi người. Từ sự tự ái, từ sự giận dỗi, hờn giận, hờn dỗi trong tánh kiêu kỳ ta hờ hững, lâu dần nó trở thành băng giá rồi lãnh cảm. Giữa con người với con người chẳng còn có cảm xúc khi gặp gỡ, dần dần đứng gần bên nhau mà trơ trơ như băng tuyết, lạnh lẽo vô cùng. Trái tim đôi khi chẳng còn đồng nhịp đập với mọi người mà ta yêu, ta thương để rồi từng hơi thở vào ra dồn dập những oan khí trong lòng, tinh thần thì u ám, hành động thì cục mịch, ánh mắt thì đen tối, lời nói thì thô lỗ và thế là vợ chồng tan nát, cha mẹ chia tay, con cái chẳng thèm nhìn nhau và bạn bè còn có mấy người lui tới đâu.

Sao chúng ta lại hờ hững? Hờ hững có nhiều cung bậc cảm xúc để chúng ta đưa đến sự hờ hững. Có thể người ta đã đối xử thật tệ với chính mình để trong một lần ta đau, và có thể người ta đã đối xử thậm tệ với chính mình, người ta khinh rẻ mình, người ta coi thường mình để trái tim thêm nhiều lần đau cộng lại, nó chai lì, nó chẳng còn một chút gì đó để đón nhận được những cung bậc của tình cảm nên nó chẳng còn rung động với nhau nữa. Từ đó ta hờ hững với người. Ta hờ hững với người để muôn sự đổ vỡ đến khi thấy nó tan thành mây khói, vội vàng nghĩ tới thì thôi đã xong rồi. Một chuyến đò đi ngang, quay mặt nhìn lại, người kia có còn đâu. Dòng sông sóng vẫn lăn tăn, nhìn hồn dưới bóng, thấy mình nơi đâu? Cuộc đời của con người, đôi khi, ta cứ đợi đến phút đó mới chợt tỉnh nhìn lại thì cô liêu. Cô liêu mà cái bóng phản ánh một thời ta đã hững hờ với ai.

Các bạn ơi! Cuộc đời chớ có hờ hững! Nhưng đó là sự đời muôn mặt nên ta phải cảnh giác trong đời sống Chánh Niệm, đừng vì hờn dỗi, đừng vì sự kiêu kỳ, đừng vì ai đó chà đạp lên nhân phẩm, coi thường dưới tất cả mọi hình thức tương tác của cuộc đời mà chúng ta làm cho trái tim, làm cho cảm xúc bị thô, bị cứng, bị cát bụi trên sa mạc, như đá trên núi, như cây mục nát trên rừng để rồi chúng ta hờ hững với muôn người. Hờ hững với người là một chuyện của cuộc đời, bàn hoài sẽ không bao giờ hết, nói tới cũng khó đi tới được chỗ hiểu thấu mà cần phải có một đời sống Chánh Niệm tỉnh thức để chúng ta đừng bồi đắp sự hờ hững với muôn người qua sự hờn dỗi, tự ái, kiêu kỳ. Hờn dỗi với tự ái, kiêu kỳ tức là ta đặt bản thân của mình lên quá cao, ta tôn trọng bản thân quá cao, ta tự hào về mình quá nhiều để rồi ta đặt mình vào trong trung tâm điểm của đời sống và nhất cử nhất động ai ai cũng phải chiều theo ý của chúng ta. Nếu không, ta xoay mặt làm ngơ, một đời một kiếp, chơi tình bơ vơ. Khổ, buồn, đau cho muôn người!

Sao ta lại hờ hững? Hờ hững là tánh xấu, nguy hại đến đời sống của người khác, tổn hại đến tình cảm của muôn người và làm sức khỏe của chúng ta chẳng tốt đâu. Dần dần cuộc đời trở nên lãnh cảm với muôn sự, mà con người đâu phải cỏ cây, nếu như lãnh cảm rồi thì còn gì để sống? Hờn dỗi, tự kiêu, cái tôi một phần tác động vào, cộng thêm chẳng nhìn rõ muôn sự ở đời tới lui sanh diệt từng giây phút để cứ cho tất cả mọi sự tới và đi, chẳng hề quan tâm, đến khi tầm tay với hoài không tới, dậm chân tại chỗ, khóc ròng thâu đêm.

Sao lại hờ hững? Hờ hững với người hay hờ hững với chính mình? Hờ hững với chính mình trong cuộc sống tâm linh là có thật bởi vì ta tham. Ta tham tới mức mà ta vơ vét của cải vật chất trong tham dục, tham ái, tham tiền, tham bạc, trong đời sống ngũ dục của vật chất trần gian để từ đó ta bị chai lì cảm giác tâm linh, những mối quan hệ mật thiết với lời giáo truyền của Chư Phật, với chân lý mật truyền để chúng ta có thể vươn lên mà sống tự do, nay đã trở thành chai đá, chẳng còn cảm xúc.

Các bạn! Chúng ta hờ hững trong cuộc sống tâm linh là một lỗi lầm thật lớn bởi hờ hững về đời sống tâm linh sẽ làm tổn hại phước báu và làm cho chúng ta thiếu đi cái nhìn của Chánh Kiến, chẳng còn biết tư duy để rồi tất cả những ngôn ngữ, hành động, tư tưởng của chúng ta đều là pha trộn màu đen của sự tham chấp.

Các bạn! Ta tham đó! Ta tham đến hờ hững. Các bạn có thấy những người tham đôi khi hờ hững với những cuộc sống bất hạnh của những con người khác? Ngay cả cuộc sống của những người kề cận trong gia đình như vợ, người chồng đôi khi hờ hững với vợ là bởi vì lòng tham cho nên chẳng quan tâm đến vợ nữa. Sớm hôm gặp vợ như gặp một mặt phẳng, không có điểm tới, chẳng có điểm đi, không có đường thẳng song song cũng chẳng có hai đường bắt chéo ngang nhau để ta tìm đến điểm yêu ban đầu. Vì sao? Vì chúng ta đã tham, tham những cuộc chơi vui thú ở đời. Sau những giờ làm việc vùi đầu vào cuộc sống mệt mỏi thì khi bước ra khỏi hãng xưởng trở về lại bắt đầu vui những cuộc thú ở đời với bạn bè. Có nhiều cuộc vui lắm, không cần kể, các bạn tự biết. Để rồi từ đó bạn hờ hững với vợ. Ngược lại đời sống của người vợ cũng có thể trở thành một người chủ động hờ hững với chồng cũng y như chồng mà thôi. Chẳng phải chỉ có chồng mà vợ chồng đều có thể xảy ra. Và từ đó chúng ta thấy rằng chúng ta thiếu sự quan tâm, sự thương yêu chân thật rõ ràng với những người trong cuộc sống của gia đình. Là Phật tử tại gia trước khi từ bỏ tất cả để bước lên một khung trời cao hơn, rộng hơn về đời sống tâm linh giải thoát thì trước tiên, ta phải có trách nhiệm trong đời sống của vợ chồng, để con cái của chúng ta nhìn lên chúng ta là những bậc sinh thành có đức hạnh, noi gương theo để làm theo những gì ta đã làm, để sống theo những gì chúng ta sống, vậy thì con cái mới gọi là thừa hưởng ân đức của cha mẹ để sống đời an vui. Trong tất cả mối tương giao của cuộc đời giữa người với người, chúng ta cũng như vậy, phải nhìn sâu, phải có chiều sâu của tình cảm thật sự trân quý, đối xử một cách bình đẳng, chẳng hờn dỗi, kiêu kỳ, chẳng tự cao, chẳng đặt mình vào nơi, chỗ mà chẳng ai với tới hoặc muôn người phải quan tâm đến chúng ta mà chúng ta chỉ cần xả bỏ những chỗ đứng của cái tôi, của cái ngã, nhìn thấy dòng trôi của cuộc đời đi chẳng thể về cho nên chúng ta phải quan tâm tới nhau bằng tình yêu chân thật, trân quý từng giây, từng phút còn gặp gỡ, còn gần gũi bằng lòng thiện, bằng tâm đối xử với nhau với tình thương. Còn không, một mai đã qua đi rồi, muôn điều nuối tiếc có còn nghĩa gì nữa không?

Các bạn! Sao lại hờ hững? Hờ hững trong tình người, hờ hững trong tình vợ chồng, cha mẹ, con cái, hờ hững trong đời sống tâm linh bởi sự tham, ta tới với Phật chẳng phải là ta quan tâm một lòng thành kính, ta tới với giáo lý của Phật chẳng phải là một con đường chúng ta phát nguyện với chí nguyện giải thoát mà chúng ta tới với Phật là bởi lòng tham cầu cạnh, bám víu, bởi lòng tham vơ vét tình thương của Chư Phật, bởi lòng tham muốn hốt hết, hốt hết những điều ta mong muốn để phụng dưỡng cho cuộc đời của cái thân này và của cảm giác của những thứ xúc cảm trong cuộc đời. Mà ta thấy, thân này và tất cả những cảm xúc của cuộc đời nuôi thân này rồi cũng sẽ ra ma. Một mai hơi thở hết rồi, thân kia lại trở về đồng ma. Đồng ma tức là nơi hoang địa, vắng, buồn lắm.

Các bạn! Chúng ta đừng hững hờ trong cuộc sống tâm linh, đừng có mối quan hệ với Phật, với giáo lý, với những điều ta học, ta thấy bằng một cách chỉ thỏa mãn ước mơ, tài vận, danh vọng, địa vị. Như vậy là mối quan hệ một chiều. Trong tâm linh, mối quan hệ của tâm linh là một mối quan hệ giữa Thầy và Trò. Phật là Thầy của chúng ta và chúng ta là Trò phải kính trọng Đức Phật như một vị Thầy và luôn luôn tới với vị Thầy đó bằng lòng thành kính sẵn sàng để học hỏi, thực hành, nghiên cứu để lời dạy của Thầy được áp dụng vào cuộc sống, mang lại lợi lạc cho chúng ta. Đó mới là mối quan hệ thuần khiết, còn chúng ta ngày nay thật hờ hững với Phật bởi lòng tham. Quan hệ với Phật, với giáo lý của Phật, với Chùa, với Kinh điển, với sự tu chẳng qua là chui vào trong hũ bạc, hũ vàng của Phật để đếm, để vơ, để vác, để ôm rồi chạy thật xa. Có đó các bạn! Những cái đó Phật chẳng trách bởi Ngài là đấng từ bi, Phật chẳng giận bởi Ngài là đấng có trí tuệ nhưng chính chúng ta phải biết tự trách mình, phải biết tự trách mình bởi ta đã sai, ta hờ hững với đời sống tâm linh, ta hờ hững với lời dạy của Chư Phật, ta hờ hững với giáo lý giải thoát vì dần dần chúng ta đã biến cuộc đời của mình như một con mồi bị đói, thợ săn rượt đuổi khắp mọi miền luân hồi, chạy hoài mà vẫn đói, vẫn khát.

Các bạn! Sao chúng ta lại hờ hững về tình người cho tới cuộc sống tâm linh? Mỗi một ngày trôi qua, mỗi một giờ trôi qua, các bạn đã làm gì trong cuộc đời này? Các bạn nghĩ đi, từ thuở ban sớm dậy, chúng ta phải đi làm, đó là sự hiển nhiên đã là kiếp người thì phải đi làm để có được tài chánh lo cho đời sống của gia đình, lo cho vợ, cho chồng, con cái và để có nhà cửa, có vật chất để sống, điều đó đúng, nhưng song song với những điều cần, đúng, có đó cho đời người thì chúng ta có còn có lòng nhiệt tâm với đời sống tâm linh nữa hay không? Đời sống tâm linh là một phần rất quan trọng trong kiếp người. Nếu như chúng ta thiếu đi đời sống tâm linh mà chỉ sống như một kiếp người kia thì chẳng khác gì cái kho chứa đầy rác rưởi, không có ý nghĩa như một con ma với xác chết ngàn năm luân hồi di động trong cõi đời để mùi hôi thối của bất thiện nghiệp lan tỏa làm cho người khác phải khó chịu và ô nhiễm. Đời sống tâm linh là cốt cách của người con Phật, ta phải sống thật đúng với lời Phật dạy để khổ không còn hiện trên khóe mắt, để sự bất an không còn làm chúng ta lúng túng trong cuộc đời.

Đừng hờ hững đời sống tâm linh, hãy cho mình ít nhất là 15 phút đến một tiếng đồng hồ mỗi một ngày. Mỗi một ngày 24 tiếng, ta ngủ đã đến 08 tiếng, 07 tiếng, 06 tiếng ăn uống, nấu cơm, nấu nước, làm việc hết rồi. Vậy mà ta chẳng bao giờ để ý tới có một chút thời gian chăm sóc cho đời sống tâm linh, ta quá keo kiệt với chính đời sống tâm linh của chúng ta. Ta đã hờ hững với đời sống tâm linh của chúng ta, ta hờ hững với đời sống tâm linh là chúng ta đã làm cạn kiệt phước báu vốn có.

Các bạn! Đừng dại khờ. Bảo Thành và các bạn đã quá dại khờ, hờ hững đời sống tâm linh, không chắt chiu từng giây phút trong cuộc đời để thực hành thậm thâm lời của Đức Phật để tích lũy phước báu. Chúng ta đã làm tổn hại phước báu của chính mình, chúng ta đã hờ hững với bản thân của chúng ta, chúng ta đã làm tâm của chúng ta chai lì, chẳng còn cung bậc cảm xúc giữa đời sống của thân tâm và tâm linh nữa. Ta đã trở thành như một người máy để rồi chỉ biết sạc đồ ăn, thức uống vào mà chẳng biết đón nhận năng lượng từ bi – trí tuệ của Chư Phật để sống trọn vẹn một kiếp người trong an vui và hạnh phúc.

Ta hờ hững thật sự! Các bạn cứ để ý trong 24 tiếng đồng hồ một ngày, bạn có khi nào nghĩ đến đời sống tâm linh nhiều không? Có chăng là khi khổ, khi phiền não, khi thất bại, khi xui xẻo, có chăng là khi cầu tài, cầu tiền, cầu tình, danh vọng, địa vị, có chăng là khi có một chuyện gì rối rắm khổ lắm, đau lắm hoặc mong muốn thì ta mới tới với Phật, với đời sống tâm linh. Cho nên, con đường chúng ta tới với Phật chẳng qua là phụng dưỡng cho tâm tham của chúng ta thì chính là ta đã hờ hững với chính mình.

Các bạn trong cuộc đời, khi bạn hờ hững với người ta, người ta cũng sẽ lạnh lùng với bạn mà thôi. Ta hờ hững với Phật, giáo lý của Ngài thì nhất định ta đã nghiêng về điều ác, điều mà tự làm tổn phước báu, một mai khi ta nằm xuống, ta cũng té xuống vực sâu của bất thiện mà thôi. Đừng hờ hững với đời sống tâm linh, hãy siêng năng lên. Nếu như bạn hờ hững trong tình cảm con người vì một điều gì đó, bạn đã giết chết mối quan hệ và nhất định sẽ đổ vỡ thôi. Nhìn lại đi, mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ, bạn bè, con cái, người thân đã đổ vỡ bao nhiêu lần chỉ vì chúng ta hờ hững, chỉ biết quan tâm cho sở thích tham của chính mình mà thiếu sự quan tâm, lòng nhiệt thành, lòng nhiệt huyết thương yêu chân thật đối với người kề cạnh chúng ta, để từ đó chẳng còn.

Ta hờ hững với họ, họ chai lì với ta, ta xoay lưng làm ngơ, họ ngoảnh mặt bỏ đi, thế là xong. Đời sống tâm linh cũng như thế, tới với Phật mà chỉ vơ vét những điều cầu cạnh, mong muốn, cúng tế, chẩn tế hoặc là chỉ cầu xin cho được thì chẳng phải là chân lý. Đức Phật không dạy cho chúng ta rằng hãy tới với Phật để Phật ban bố cho tất cả mà Phật dạy cho chúng là hãy tới với Phật để Phật như một vị thầy có thể truyền dạy kinh nghiệm trong đời sống tâm linh mà Ngài đã giác ngộ ra để cho chúng ta bớt phiền não, bớt đau khổ, thêm bình an và hạnh phúc ngay bây giờ, tại đây, cuộc sống này. Cho nên nếu các bạn đang tầm cầu sự hạnh phúc chính là các bạn tới với Phật để học chứ không phải tới với Phật để nguyện xin Chư Phật ban cho.

Chữ “ban” trong nhà Phật có nhiều ý nghĩa, “ban” tức là mình nói với một đấng cao hơn khai thị cho chúng ta như chúng ta thường nói: “Xin cha mẹ ban cho con vài lời giáo dưỡng” hoặc chúng ta ngày xưa hay nói: “Xin các Thầy, xin ông, xin bà, những đấng ở bên trên cao cả, tôn kính, đáng quý, xin ban cho con một vài lời khuyên, xin ban cho con một lời chỉ dạy, xin ban cho con một sự khai thị”, đó gọi là “ban”. “Ban” tức là chỉ, là dạy nhưng chữ “ban” là đối với những người trưởng thượng, những đấng bậc ở bên trên cho nên chữ “ban” trong nhà Phật chẳng phải là Phật ban cho chúng ta, mang tới cho chúng ta mà phải nói: “Xin Phật hãy ban cho con những lời giáo huấn và lời dạy, sự khai thị, hướng dẫn, giới thiệu cho chúng con những cách tu tập”. Đó gọi là chữ “ban” đối với một đấng đã giác ngộ. Thật là đẹp!

Chúng ta nguyện, chúng ta thường nguyện rằng: “Xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương”. Chẳng cần! Phật luôn luôn rải năng lượng tình thương xuống với chúng ta nhưng khi chúng ta thành kính nói Phật: “Xin ban rải năng lượng tình thương và gia trì thắp sáng đuốc tuệ” có nghĩa là chúng ta luôn luôn kính trọng, luôn luôn thành kính và ngưỡng nương vào bậc giác ngộ, bậc thầy cho nên chữ “ban” đó thật là tôn kính, một lòng tôn kính Phật nên dùng: “Xin Phật ban cho chúng con”.

Trong tình cảm của con người ta trao, ta trao cho nhau những điều cao quý, đẹp nhất còn đối với đấng ở trên thì ban xuống cho chúng ta. Đời sống tu tập để tránh đi sự hờ hững với chính tâm linh, làm cho đời sống tâm linh chai đá, khô cằn, làm cho phước báu tổn hại từ từ và làm cho chúng ta họa nhiều, hên ít chính là phải ngưng ngay sự hờ hững trong đời sống tâm linh. Mỗi một ngày trôi qua trôi qua lắng đọng trong cuộc đời sau muôn sự bận rộn, ít nhất phải có 15 đến 20 phút chúng ta lắng nghe những lời giáo dưỡng của Phật, nhẹ nhàng đi vào hơi thở của Chánh Niệm, tu tập thiền quán trí tuệ và từ bi. Trí tuệ và từ bi quán là Pháp môn cao cả của Bậc Đại Sĩ Đại Từ Đại Bi Mẹ Hiền Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm, tầm thinh cứu khổ, phổ độ muôn loài. Chúng ta phải luôn luôn tiếp cận với Mẹ để nguồn từ bi của Mẹ là nguồn suối trong suốt gội rửa, tẩy sạch mọi phiền ưu cho chúng ta. Để nước Cam Lồ Tịnh Thủy từ bàn tay nhân ái từ bi của Mẹ rải xuống là chúng ta chẳng còn một chút phiền lụy, đau khổ. Tới với Mẹ với một tâm tình như vậy trong sự thực hành miên mật hơi thở Chánh Niệm của trí tuệ – từ bi quán thì nhất định mỗi người chúng ta sẽ tìm lại được chính mình và không để cho trái tim chai lì, lãnh cảm trong đời sống tâm linh, và chúng ta nhất định sẽ biết đối xử với nhau bằng ân nghĩa, ân tình, và nhất định biết tôn kính Phật một cách cung kính nhất để có thể như một người học trò giỏi được Đức Phật dạy dỗ từng ngày, liễu thông những pháp sanh tử mà Phật đã dạy để từ từ trong chúng ta, thân xác Phàm phu này có thể bước ra một cách thong dong thoát khỏi luân hồi sanh tử ngay bây giờ, tại đây để sống an vui và hạnh phúc.

Chúng ta chia sẻ là để chúng ta nhìn thấy thật rõ mọi ngóc ngách của cuộc đời mà chúng ta đã chui đầu vào trong đó. Hờ hững là một tánh xấu làm chết tất cả những mối tình cảm giữa người với người, làm chết đời sống tâm linh, làm khô cằn mối quan hệ giữa ta và Bậc Thầy Vô Thượng là Phật. Và hờ hững với chính đời sống tâm linh, hờ hững với muôn người là đã liên minh với ma quỷ, dọn sẵn một con đường đi xuống Địa Ngục, trầm mình trong luân hồi và đau khổ cho nên những ai hờ hững thường hay bị bệnh, thường hay bị đau, thường hay bị trầm cảm, thường hay bị sợ hãi, thường hay bị xui xẻo, thường hay thấy u ám trong cuộc đời, thường không thấy phước tới với chính mình và thường tắt lịm nụ cười trên bờ môi, ánh mắt thì đen lắm, chẳng còn sáng.

Các bạn! Đừng hờ hững! Hờ hững là tánh kiêu kỳ, là cái tôi, là không nhìn rõ các pháp vô thường. Hờ hững là tham, chỉ muốn người ta phục vụ, chiều chuộng theo những cảm xúc, cảm giác của mình, dự đoán, tính toán của chính mình. Hờ hững là chúng ta có tánh xấu đặt mình quá cao làm trung điểm đời sống của muôn người. Với điều như thế, ta cần phải thực tập tánh biết, tánh thấy của Lăng Nghiêm qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để thấy được vạn pháp vô thường, để thấy được vô ngã.

Đừng đưa mình lên quá cao, hãy hạ mình xuống thật thấp bởi ai đưa mình lên thì càng xa Phật, Trời, Bồ Tát, Thánh Hiền. Ai hạ mình càng thấp thì gần gũi thiện tri thức, Thánh Hiền, Bồ Tát, Chư Phật. Cho nên, các bạn nâng các bạn lên quá cao, tưởng là cao đó nhưng thật xa Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, còn các bạn càng khiêm tốn, hạ thật thấp thì các bạn càng được gần gũi các bậc thiện tri thức, quế nhân phò trợ, Long Thần, Hộ Pháp, Chư Tôn, Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền thường kề cận, ghé tới cuộc đời của các bạn.

Đó là sự lựa chọn của mỗi người chúng ta. Bạn chọn cách sống nào? Hãy quan tâm, hãy quan tâm đến đời sống tâm linh. Hãy dấn thân bước thêm một bước nữa quan tâm đến đời sống của những người trong gia đình như vợ chồng, con cái. Hãy quan tâm đến tất cả những mảnh đời bất hạnh, hãy quan tâm đến tất cả những chúng sanh bởi chúng ta với trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, với tình thương của Mu A Mu Sa có đủ khả năng để sưởi ấm trái tim cô quạnh của muôn người, có đủ khả năng để san sẻ tình thương, chẳng phải vật chất mà là tinh thần và trí tuệ, chẳng phải những tham muốn của cuộc đời mà làm cho muôn người đều hạnh phúc.

Chúng ta có khả năng đó bởi chúng ta thật may mắn có Bậc Thầy Vô Thượng là Phật, Ngài đã chỉ cho chúng ta con đường Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu tâm từ, quán chiếu trí tuệ. Chỉ có trí tuệ và từ bi mới có thể chuyển hóa mọi khổ đau, mọi phiền não và chỉ có trí tuệ và từ bi mới là con đường đưa chúng ta thoát khỏi sanh tử luân hồi. Và chỉ có trí tuệ và từ bi mới làm cho chúng ta sưởi ấm trái tim băng giá, lạnh cảm. Chỉ có từ bi và trí tuệ mới làm cho thần trí của chúng ta bừng tỉnh, đời sống tâm linh được luôn luôn tỉnh giác, thấy, hiểu, biết để rồi buông, bỏ, xả. Quẳng đi mọi gánh lo phiền muộn của ác nghiệp, của bất thiện nghiệp để vui sống với Pháp Thiện trong mỗi một ngày. Biết làm từ thiện, biết phóng sanh, biết tĩnh tâm, biết Chánh Niệm, biết quán tâm từ, biết quán tâm trí tuệ và không còn hờ hững với tất cả mọi người, nhất là không còn hờ hững với đời sống tâm linh.

Các bạn nhìn sâu vào cuộc đời của chúng ta, đừng để nó trôi qua một cách nhạt, quá nhạt, không còn chất sống của người con Phật tỉnh thức nữa. Sống phải cho chất, đậm chất đời sống tỉnh giác, đậm chất của đời sống thanh tịnh, đậm chất của đời sống từ bi và trí tuệ. Đó mới là chất, chất của các chất, cao thật là cao. Phẩm chất cao cả của người con Phật là biết thực chành lời của Phật, không mang lời Phật trở thành những vật trang trí, trang điểm mà mang lời Phật ứng dụng vào cuộc đời để thắp sáng trí tuệ và khai mở lòng từ bi, ứng dụng vào đời sống ngay trong gia đình, làm tròn trách nhiệm của mình nơi gia đình, xã hội, cộng đồng. Biết dấn thân đi vào để sưởi ấm trái tim băng giá, lạnh lùng của những người đã bị xâm hại về một mặt nào đó mà đời sống của họ đã trở nên hờ hững và cũng ước đưa đời sống tâm linh đó để bước trở lại vào sưởi ấm trái tim của tâm linh chúng ta để chúng ta không còn hờ hững trong đời sống tâm linh mà dành thời gian để tu tập mỗi một ngày dù rất ít từ 05 đến 10 phút nhưng mang lại sự lợi lạc vô cùng. Sẽ chuyển hóa khổ đau, phiền não, tai họa cho các bạn và bệnh tật cũng tiêu tan. Đây không phải là một lời giới thiệu mà đây là một sự thực chứng của các bậc đã tu khi thực hành theo lời của Đức Phật.

Các bạn! Tu Pháp môn của Phật là tu sự thực chứng bằng công hạnh thực tập, pháp hành mỗi một ngày. Đừng học thuộc lòng như con vẹt!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Trong cuộc đời của vợ chồng, của con người trong kiếp đời, chúng con thường hờ hững với nhau chỉ vì tự ái, chỉ vì kiêu kỳ, tự cao, chỉ vì thiếu sự thông cảm và hiểu biết, chỉ vì đặt mình ở chỗ cao nhất để rồi đâm ra hờ hững với nhau nên cuộc đời dần tan, dần khổ. Cuộc đời mất đi cảm giác và ý nghĩa sống và dần dần trở thành người vô trách nhiệm với gia đình, xã hội và cộng đồng. Trong đời sống tâm linh, chúng con đã quá tham, tới với Phật chỉ để cầu cạnh, vơ vét tình thương của Phật để phụng dưỡng cho những điều về vật chất, về tình cảm, danh vọng, địa vị, từ đó đã hờ hững với chân lý, sự giáo dưỡng của Bậc Thầy Vô Thượng là Phật. Nay hiểu thấu, xin Chư Phật gia hộ để chúng con không còn hờ hững trong đời sống tâm linh cũng như hờ hững trong đời sống của những mối quan hệ của cuộc đời trong xã hội này, sống với lòng nhiệt huyết, thương yêu một cách chân thật, đối xử một cách bình đẳng.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mời các bạn hồi hướng công đức.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Nguyện xin Chư Phật ở mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts