Search

Bài 2064: Không Bền Vững | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lạc đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia hộ thắp sáng đuốc tuệ để chúng con nhìn rõ trong sự quán chiếu, thấy được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Chúng con cũng thành tâm hồi hướng tới quê hương, quốc tổ Việt Nam của chúng con và các nước Á Đông đang bị đại dịch. Nguyện xin Chư Phật gia hộ để đại dịch chóng qua, muôn người trở về với đời sống bình thường. Cũng thành tâm hồi hướng cho những trẻ thơ đang lâm trọng bệnh đầy đủ phước báu, gặp thầy gặp thuốc, mau tiêu trừ bệnh tật. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tượng trưng cho Trí Tuệ và Từ Bi.

Các bạn hãy ngồi xuống với một tư thế thật nhẹ nhàng, thật thoải mái, vững chãi, buông lỏng toàn thân, hãy hòa nhập vào với hơi thở thật nhẹ, vào ra tự tại. Với mật ngôn ta trì tụng, mỗi người chúng ta trong Chánh Niệm hơi thở sẽ đón nhận được năng lượng vi diệu truyền vào thân tâm, và tâm của chúng ta sẽ bừng sáng để sự quán chiếu về vô thường được tỏ lộ và để cho chúng ta nhìn rõ mọi sự trong đời đang xảy ra.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Có những chuyện ở trên đời thật đơn giản, đơn giản như chuyện chúng ta hít vào và thở ra. Nếu như ai đó dạy cho chúng ta hít thở, cứ hít vào thở ra như vậy, có lẽ ta sẽ ngạc nhiên, bởi khi sinh ra, ai trong chúng ta cũng đã biết hít thở mới có thể tồn tại và sống. Ngạc nhiên hơn nữa là nếu vị dạy cho chúng ta hít thở chính là bậc đã giác ngộ thì ta sẽ ngỡ ngàng lắm, tưởng như thế nào, một bậc giác ngộ lại đi dạy cho người ta thở. “Ai mà không biết thở?”, đó là câu trả lời thật tự nhiên, đúng, không sai. Trên đời, con vật còn biết thở, cây còn biết thở, cỏ còn biết thở huống chi là con người chúng ta sao không biết thở bởi tất cả các loài không biết thở để lấy khí bên ngoài đi vào thì chẳng có sự sống mà nay một đấng giác ngộ được gọi là giác ngộ rồi lại dạy cho chúng ta thở.

Các bạn! Cái mà chúng ta thở hằng ngày đó, trong kiếp này nhưng thực ra trong vô lượng kiếp qua, chúng ta đã thở như vậy rồi. Chính vì chỉ có thở một cách tự nhiên như thế mà chúng ta lại cũng tự nhiên luân hồi trong cảnh khổ mà không thấy đường thoát ra. Nay Đức Phật dạy cho chúng ta phải thở không phải tự nhiên như vậy nữa mà phải thở một cách siêu nhiên. Siêu nhiên ở đây không phải là một hơi thở đặc biệt, siêu nhiên ở đây là hơi thở Chánh Niệm. Hơi thở Chánh Niệm để hòa nhập vào với phần siêu nhiên, tức là Phật tánh vốn có. Ta thở trong sự vội vàng, ta thở trong sự nhộn nhịp của cuộc đời, của tranh giành, của chấp, của hồi hộp, của sợ hãi, của vui mừng, của hớn hở. Những cái thở như vậy làm cho chúng ta đôi khi vui mà đôi khi giảm sức khỏe. Có những hơi thở thể hiện sức khỏe suy dần, có những hơi thở vui như mặt trời mọc nhưng rồi tắt ngấm chỉ trong giây phút mà thôi.

Hơi thở Chánh Niệm là hơi thở vi diệu đưa ta hòa nhập vào với sự thiên nhiên của bản thể Phật tánh vốn có. Đặc biệt trong hơi thở đó, Chánh Niệm tự tại, an nhiên, ta trì mật ngôn Mu A Mu Sa, ta lại được hòa mình vào với năng lượng từ bi của Chư Phật. Con người sống phải thâu nạp năng lượng vào trong con người, con người sống phải thâu nạp năng lượng vào trong thân. Không có năng lượng, chúng ta không thể sống, năng lượng bất tịnh làm cho cuộc đời rối, năng lượng thanh tịnh làm cho cuộc đời an vui, hạnh phúc.

Năng lượng Mu A Mu Sa là năng lượng từ bi yêu thương sẽ giúp cho thân của các bạn khỏe, tâm của các bạn thanh tịnh, khuôn mặt các bạn thật tươi và đẹp. Năng lượng của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là năng lượng của trí tuệ, của từ bi hòa trộn vào với nhau để thấy rõ các pháp hữu vi sanh – diệt vô thường từng giây phút.

Hôm nay, chủ đề: “Không Bền Vững” thật phù hợp với câu mật ngôn số 02. Chúng ta cần phải nhìn rõ bản thể của các pháp, của các vật, của các hiện tượng không bền vững để chúng ta đừng nuối tiếc nữa. Đã bao kiếp rồi, ta sinh ra, ta cứ nuối tiếc, ta cứ hối tiếc cho những sự việc đã đi qua bởi ta không hiểu thấu được cuộc đời này, tất cả đều là vô thường sanh – diệt từng giây từng phút, tất cả đều không bền vững. Tâm tưởng của chúng ta luôn luôn nghĩ mọi việc, mọi sự, mọi vật phải luôn luôn tồn tại với thời gian. Mua một chiếc xe, bỏ ra một chút tiền, ta muốn chiếc xe đó bền vững đời đời nhưng khi nó hư thì buồn lắm. Rất may khi mua xe, người ta đã chỉ cho mình thật rõ giới hạn của chiếc xe đó chỉ có thể sử dụng được bao nhiêu năm. Ngày xưa, người ta không đặt cao vấn đề cho những người khách mua hàng phải biết thấu được món đồ họ mua chỉ có bảo hiểm khi tồn tại và sử dụng có giới hạn. Ngày xưa, chúng ta mua việc gì, vật gì, điều gì cũng luôn luôn nghĩ rằng cứ tồn tại mãi, để khi hư, khi mất, ta buồn. Và như vậy xảy ra thường xuyên, ta cũng chưa hiểu được tánh không bền vững của mọi vật. Đó là nói về vật dụng.

Trong các mối quan hệ của con người, ta cũng lại có ước mong rằng quan hệ giữa tình bạn, tình cha tình mẹ, tình vợ chồng, tình người thương phải bền vững suốt cuộc đời, nhưng khi nó không bền vững nữa, nó không đẹp như thuở xưa của một tuổi mộng nữa, ta buồn lắm, ta buồn như lá héo, lá úa, lá rụng rơi vào mùa thu. Và tất cả những hiện tượng không bền vững xảy ra trong cuộc đời đã tạo ra những sự đau khổ, phiền não vô tận nơi chúng ta và năng lượng phiền não đó cột chặt tứ chi, thân tâm của chúng ta, kéo chúng ta về miền quá khứ để rồi ta cứ sầu muộn. Có những sự việc trong đời xảy ra cho người này, người kia hay cho chúng ta, nhiều khi nó cũ, nó xưa, xưa lắm rồi, xưa thật là xưa, chẳng còn nữa, vậy mà nó vẫn ảnh hưởng tới cuộc đời, tới cảm xúc, tới suy nghĩ và tới cách hành xử của chúng ta. Đức Phật dạy về sự vô thường trong Tam Pháp Ấn: Vô Thường, tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Trong tiếng Pali tạng ngữ, các pháp hữu vi người ta gọi là Sankhara, có nghĩa là các pháp được hình thành do nhân và duyên của quá khứ. Cũng như hôm nay Bảo Thành hình thành con người như vậy, các bạn hình thành con người với thể tướng như vậy đều do nhân và duyên của quá khứ tạo. Và chúng ta hiện hữu trong thân xác cũng như bối cảnh lịch sử, môi trường, sự sống, phương tiện xảy ra, đều do nhân duyên. Những gì được hình thành do nhân duyên thì đều sanh – diệt trong từng giây phút, không bền vững. Thế vậy mà chúng ta cứ níu kéo điều không bền vững để vui, để buồn, để khổ, để hạnh phúc lẫn lộn. Bởi vì ta không thấu được nó không bền vững, ta luôn nghĩ và chấp vào nó phải như vậy muôn thuở như một giao kèo, như một hợp đồng kéo dài, kéo dài cho những sự không bền vững và như vậy khổ mãi, khổ mãi.

Bảo Thành sống trong chùa, gặp thật nhiều quý Phật tử, có nhiều vị tới, trên nét mặt u sầu, buồn bã, nói chuyện sơ qua, đi vào trong tâm sự. Mà người tu, phải có khả năng và cái tâm lắng nghe dòng tâm sự của họ mà không để cho vui – buồn, bi oán của họ thẩm nhập vào. Đây cũng là cách giúp cho Phật tử thoải mái trải lòng và thả những sự u sầu của quá khứ bồng bềnh trong lồng ngực thoát ra cho nhẹ. Hầu hết, các cuộc nói chuyện và lắng nghe khởi đầu sơ sơ thì bắt đầu đi vào những dòng tâm sự của muôn sự đời đã trải qua trong quá khứ. Nó đã đi rồi, nhưng nó vẫn còn hình thành những vết nhăn ở trên mặt, đau trong tim, thống khổ trong tâm. Bởi chúng ta luôn luôn mong cầu rằng, nếu là một người tới với cuộc đời thì phải luôn luôn tồn tại ở đó, nếu là một vật ta có được thì phải luôn luôn sở hữu. Ngay cả đất trời này chúng ta cũng muốn sở hữu, ngay cả những vì sao tinh tú vượt khỏi tầm tay, nhìn không thấy rõ cũng muốn sở hữu. Ta muốn sở hữu tất cả mà chẳng nhận ra rằng chính cuộc đời của ta cũng vô thường sanh – diệt, không bền vững. Một thứ không bền vững như cuộc đời, cuộc sống của mình mà lại muốn sở hữu những thứ không bền vững khác trong một sự tồn tại mãi mãi với ước mơ, ước mong và từ đó cứ sầu, cứ khổ.

Các bạn kiểm tra lại cuộc đời của các bạn, các bạn nhận thấy thật rõ biết bao nhiêu những cái được gọi là đẹp, được gọi là mơ mộng, được gọi là một thời xuân sắc hoặc một thời tuyệt vời nào đó, đã qua rồi. Thật nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta ngồi, chúng ta nuối tiếc, nuối tiếc rằng nó đã qua để rồi hối tiếc và nói rằng: “Ngày đó như thế mà ta lỡ…”, rồi “Nếu như ngày đó còn thì chắc có lẽ ta sẽ làm tốt hơn…”. Cứ trầm mình trong những khoảnh khắc của quá khứ để thêu dệt những tư tưởng và tạo cho tưởng thức của chúng ta như là một nhà đạo diễn kỳ tài, thêu dệt những thứ mê hoặc, hão huyền, đã mất thành những thước phim chiếu đi chiếu lại trong tâm tưởng và rồi cười cười, cười lẫn với nước mắt chảy, vui lẫn với sự đau khổ, dằn vặt trong tâm. Và như thế, cuộc đời cứ trôi qua trên xác chết của những tâm cảm đã không còn tồn tại. Và mùi sầu muộn của cuộc đời nơi quá khứ ám vào làm cho cuộc sống của chúng ta thêm phần u ám, sập xuống dưới miền sầu muộn, khổ đau. Thậm chí có những con người đương đầu với những sự việc như vậy rồi hóa khùng, hóa điên hoặc làm cho cuộc sống chậm lại, chìm mình trong quá khứ, chẳng thể sống với hiện tại, bỏ mặc thế sự và cuộc đời, chẳng còn sống để an vui nữa, thấp thỏm từng giây phút.

Chúng ta với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu các pháp là vô thường, không bền vững, các pháp hữu vi Sankhara là các pháp không bền vững, là các pháp vô thường sanh – diệt bởi do nhân duyên. Để làm gì? Để chúng ta đoạn được cái khổ, cái sầu, cái não. Để làm gì? Để chúng ta không còn nuối tiếc với những sự việc đã qua. Để làm gì? Để chúng ta tăng trưởng sự tự tại, hạnh phúc và an vui ngay trong hiện tại lúc này. Để làm gì? Để chúng ta trân quý những mối giao hảo giữa tình cha mẹ, những đấng sinh thành, tình nghĩa vợ chồng, con cái, tình bằng hữu, tình bạn bè và những sự việc, sự vật đang hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta. Không để giới hạn tồn tại, ứng dụng hiện hữu của nhân duyên đó, một mai nó tan ra, nó rã, nó mất tạo thành cả một khối nuối tiếc, sầu bi.

Các bạn! Sống trên đời phải có một sự lựa chọn, một là sầu sầu bi thảm, sầu đến gục cả đầu, đau cả mắt, nhăn cả mặt hoặc là cười cho tươi như hoa, mặt cho sáng và hạnh phúc, chẳng bi ai. Sự lựa chọn đó thuộc về mỗi một người chúng ta. Nếu chúng ta hiểu được vạn pháp vô thường, không bền vững, vì nó đã không bền vững, vì nó đã không tồn tại, nó là vô thường nên ta có sự lựa chọn để sống tịch tĩnh trong Chánh Niệm an vui và hạnh phúc. Đức Phật dạy, nếu nó là vô thường thì sẽ có cái thường, đó là lý nhân duyên, có cái này có cái kia. Nếu nó không bền vững thì sẽ có bền vững. Từ đây ta mới thấy được trong pháp quán cuối cùng của quán vô thường, khổ, vô ngã, cuối cùng là quán niết bàn. Cuộc đời, muôn sự không bền vững là vô thường, nhưng niết bàn sẽ bền vững muôn thuở bởi nó chẳng bị chi phối bởi nhân quả, bởi nó không nằm trong cuộc chơi của sanh tử, nó nằm ở ngoài, mà chính Đức Thế Tôn, Ngài đã chứng đắc được niết bàn, cảnh giới đó và Ngài giới thiệu cho chúng ta là nhìn thấu vào vô thường, khổ, vô ngã để từ đó có thể bước qua cuộc chơi của sanh tử, thoát ra khỏi tất cả sự ràng buộc của các pháp hữu vi để đi vào miền đất chân tâm, đặt chân lên niết bàn tịch tĩnh, thường lạc ngã tịnh trong cuộc đời mà chẳng cần phải đi phi thuyền, máy bay tới cảnh giới đó. Nó ở trong tâm! Ngay trong giây phút hiện hữu trên hành tinh trái đất, ở trong cõi không bền vững, vô thường sanh – diệt từng giây phút, ta vẫn có thể thể nhập vào Phật tánh chân như niết bàn để hưởng được sự tịch tĩnh an vui bền vững muôn thuở.

Chúng ta không có sự bền vững trong những cảm xúc của cuộc đời nhưng có sự bền vững tịch tĩnh khi tâm chấp trược không bám víu, thấu rõ vô thường, hiểu được vô ngã, khổ đau đoạn diệt là đạt đến cảnh giới của niết bàn an vui. Điều này nói không phải khống lên cho lớn, cho to để nâng cao giá trị mà đây là sự thật bởi Đức Phật đã đạt được khi Ngài còn hiện hữu ngay trong cuộc đời làm người như chúng ta. Đây là một minh chứng thật rõ và chắc chắn rằng không phải đợi đến khi chúng ta chết mới chứng đắc được cảnh giới niết bàn. Phật, khi Ngài còn sống, dưới cội Bồ Đề, Ngài giác ngộ, đã chứng được niết bàn rồi, thì cuộc đời của chúng ta, dưới cội của cuộc đời vô thường sanh – diệt, không bền vững, lắm sầu muộn, đau khổ kia, nếu thắp sáng được trí tuệ, Chánh Niệm được hơi thở, khai được lòng từ bi lan tỏa thì nhất định ta sẽ chứng được cảnh giới niết bàn ngay trong cuộc đời dưới cội sầu muộn, bi ai, không bền vững này. Được, các bạn!

Một cách nhìn như vậy sẽ giúp cho các bạn sẽ không bao giờ sầu, luôn luôn vui, một cách nhìn thấu được tánh không bền vững, vô thường sanh – diệt sẽ giúp cho các bạn biết sống xứng tầm là người đã học Phật. Một cái nhìn thấu được vạn pháp tới lui theo duyên, có đó rồi mất đó, tới đó rồi đi đó, không bền vững, sẽ làm cho chúng ta sống trọn vẹn với ân nghĩa, với nghĩa tình. Nghĩa tình của người con đối với các đấng sinh thành, nghĩa tình của người bạn đời song hành mãi nơi kiếp này để tạo duyên, tạo phước, tạo đức cho kiếp sau. Mối tình của tình bạn cùng song hành giữa cuộc đời không bền vững để chứng thấy cảnh giới an nhiên. Ta sẽ trân quý và ta sẽ không còn phải nuối tiếc cho những sự việc, những điều đã qua, và sự nuối tiếc đó không có thì trong tâm của chúng ta không bao giờ có sự hối tiếc. Dĩ nhiên, như vậy thì mỗi người sẽ hạnh phúc vô cùng. Khi con người hạnh phúc thì tâm thái nhẹ nhàng, khuôn mặt sẽ được tươi, hơi thở sẽ Chánh Niệm hơn, nhìn thấu được những sự việc tới lui trong cuộc đời theo lý nhân duyên không bền vững, vô thường và sanh – diệt để chuyển hóa những ngã tướng, cái tôi, những tự ái chạm vào, những chấp bám víu, ta dễ nhẹ mà đi, buông để tiến tới, xả để thăng hoa.

Đức Phật dạy giáo lý của Ngài là để hiểu bằng trí tuệ, thấm bằng từ bi, hành bằng đức hạnh. Thành công, thành công! Chư Phật đã thành công, Chư Bồ Tát đã thành công, Chư Hiền Thánh Tăng đã thành công, các bậc Tổ, các bậc hòa thượng tôn quý, đại đức, Tăng Ni, những bậc thiện tri thức và thật nhiều Phật tử đã thành công. Chỉ có chúng ta đôi khi không chịu để ý, cứ để dòng đời cuốn trôi và chẳng biết dừng lại trong những sự việc không bền vững đó để nó lôi kéo mãi về quá khứ nên ta không bao giờ nhận ra được ánh sáng từ bi – trí tuệ của Phật để sống hiện hữu trong kiếp này, để trải nghiệm niết bàn an vui hiện hữu mà cứ hứa hẹn đến kiếp sau. Kiếp này không an vui, kiếp sau sao vui?

Kinh Pháp Cú nói, kiếp này vui kiếp sau vui, kiếp này buồn quá kiếp sau sao vui? Kiếp này chứng kiếp sau lại chứng, hai đời chứng. Kiếp này ngộ kiếp sau lại ngộ, hai đời ngộ. Kiếp này vui kiếp sau lại vui, hai đời vui. Mà kiếp này sầu, là buồn thì kiếp sau lại sầu, buồn, hai đời buồn. Rõ mà! Nhưng chúng ta không để ý những lời Phật dạy đơn thuần, mộc mạc, dễ hiểu. Chỉ cần chúng ta bình tĩnh chút xíu hoặc chúng ta được nhắc nhở bởi những con người đã có sự trải nghiệm thật sự thì nhất định chúng ta sẽ có được ý thức nhận rõ chân lý Đức Phật khai ngộ để chúng ta sống vui. Chi đâu mà cuộc đời trôi qua mỗi ngày, cứ để đắm chìm trong những vật dục không bền vững, trong những sự tham dục không bền vững, trong những sự ham muốn không bền vững. Sống, cần phải hưởng được niết bàn ngay tại thế, kiếp này thì kiếp sau lại tiếp tục hưởng được niết bàn. Kiếp này không niết bàn, kiếp sau chẳng có niết bàn, hai đời đều thiếu vắng niết bàn. Kiếp này tràn đầy địa ngục, sống trong địa ngục, kiếp sau lại đâm đầu vào địa ngục, hai đời đền đọa vào trong địa ngục. Rõ! Kiếp này than, kiếp sau lại than, hai đời đều đen thui, đen còn hơn cả than Quảng Ninh nữa. Kiếp này hối, kiếp sau hối, hai đời hối thì nuối tiếc nó ngập tràn như lũ cuốn về.

Ta thấy rõ, những người hay than thở, những người hay gãi đầu, tặc lưỡi, những người hay nhìn những chuyện đã xảy ra cho cuộc đời của mình rồi than, không nhìn rõ nhân quả của chính ta, nhân duyên lui tới không bền vững, tưởng rằng như màu hồng đẹp lắm, nhưng bất chợt nó héo úa, rụng đi lại buồn. Cái đối xử vui vui, nhộn nhộn, niềm nở, phấn khởi đó bỗng chốc thành như địa ngục, cãi nhau, chửi nhau. Ta không thấu được mọi sự vui – buồn, sướng – khổ trong đời không bền vững, vô thường, bởi ta luôn luôn chấp vào một điều gì đó và bám víu, không muốn cho nó ra đi. Mà Phật dạy, vạn pháp hữu vi vô thường sanh – diệt, chẳng bền vững. Những pháp hữu vi tới do nhân duyên không bền vững. Sankhara đó là pháp hữu vi, nhưng chúng ta học thì nhiều, đọc Kinh cũng nhiều, nghe giảng cũng nhiều, thông thái lắm, ngồi viết lại, diễn lại hoặc chép sao lại, copy lại những lời của bậc Thánh hoặc những bậc Tổ vẫn y chang hai nhưng mà không hành được. Đây mới là điều cần phải đáng nói.

Bảo Thành và các bạn thường xuyên cứ hối tiếc cho những sự việc đã qua, nuối tiếc cho những sự việc đã qua rồi cứ ngồi, cứ than, cứ thở. Người ta than là đen rồi mà thở ra mùi đen của tánh than thì nó ô nhiễm môi trường. Các bạn ngồi gần những người hút thuốc, họ phà vào mặt các bạn không biết hút thuốc thì các bạn bị sặc, hoặc các bạn ngồi gần những đống lửa khói um tùm, nó làm cho ám khói. Các bạn thấy không? Ám khói. Chúng ta cứ than cứ thở, cứ trách móc rồi tạo ra thị phi than thở một mình là tự ám ảnh, ám khói của sự sầu muộn, bi ai, đau khổ, năng lượng bất tịnh, tiêu cực vào lại chính mình. Lại mang thứ rác rưởi, thay vì xả ra thì ta lại nhồi nhét vào trong tạng thức của ta, đồng thời ta lại tuôn ra từ cửa miệng làm cho biết bao nhiêu những bạn bè, những người thân, những người quen lại bị ám, gọi là ám khí sầu muộn, bi ai, bất thiện, tiêu cực của chính ta.

Mà các bạn nhớ rằng, khi chúng ta sử dụng ám khí là chúng ta trở thành sát thủ. Bởi vì ngày xưa chúng ta coi phim hoặc ngày nay cũng có, sát thủ dùng những loại ám khí để hại người. Các phim đánh nhau, truy sát nhau, hầu hết kẻ ác thường dùng ám khí, trốn trong màn đêm, bóng tối, bất chợt phóng ra, người vô tội còn chết. Bởi vì họ ném đá giấu tay, họ hại người không biết ghê gớm. Gớm lắm mà họ không bao giờ sợ, hại người không gớm tay, ám khí. Thì vấn đề than thở, tặc lưỡi, mang cái này, mang cái kia ra rồi than thở chính là một thứ năng lượng tiêu cực, nó là ám khí đó các bạn! Mỗi khi bạn cứ than thở về những chuyện đã qua, không bền vững, chẳng thấu được vô thường sanh – diệt là các bạn đã trở thành sát thủ ghê gớm của cuộc đời, đang dùng thứ ám khí của năng lượng tiêu cực ám ảnh vào cuộc đời của chính ta để đang kết liễu cuộc đời trong nay mai, và còn ám sát những người xung quanh bằng ám khí của những quá khứ sầu muộn, bi ai, của sự than thở. Người hay than thở là đang ứng dụng ám khí hại người và hại mình, hiểu thấu được điều đó ta phải ngưng.

Khi các bạn có những người quen mà họ luôn luôn sử dụng ám khí để hại người, hại họ, ta nhất định sẽ không muốn gần họ. Nay nhận ra rằng sự than thở, sự tặc lưỡi, sự mà cứ moi móc chuyện quá khứ của ta ra để than, quá khứ của người ra để than, để ca thán, đó chính là biến bản thân trở thành sát thủ không gớm tay, sử dụng ám khí của quá khứ để bách hại muôn người và giết chết tự thân. Nói như vậy để ta thấy được giá trị nguy hiểm cần phải rời xa, ta thấu rõ được Chánh Niệm hơi thở, pháp tu để biến mình không trở thành sát thủ ứng dụng ám khí than thở, tặc lưỡi, ca thán, sầu muộn, bi ai ám ảnh cuộc đời của ta đen thui và còn ám ảnh cuộc đời của những người khác. Sống trong một môi trường tiêu cực, bất thiện như thế phát ra từ tâm của chúng ta, khởi lên từ tâm của chúng ta thì nhất định đó là môi trường không tốt, môi trường xấu. Đừng biến mình thành sát thủ hại bản thân, đừng biến mình thành sát thủ hại muôn người, đừng mang ám khí của sự than, ca thán, tội nghiệp cho mình, tội nghiệp cho muôn người. Hãy sống thật thanh tịnh và hãy quán chiếu bằng từ bi và trí tuệ, từ bi Mu A Mu Sa, trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, thể nhập vào với Chánh Niệm hơi thở để dung thông với đất trời, dung thông với trời Phật, với Bồ Tát, Thánh Hiền để nhìn thật rõ các pháp đều vô thường sanh – diệt, các pháp hữu vi Sankhara đều là không bền vững, đều tới rồi lui, hiện hữu rồi biến mất. Thấu được điều đó, ta sẽ luôn vui, thấu được điều đó, cõi lòng của các bạn sẽ nhẹ tênh, lồng ngực sẽ thoáng, hơi thở sẽ sẽ đầy đủ và dĩ nhiên, lồng ngực thoáng, hơi thở đầy đủ, nét mặt sẽ tươi, sẽ đẹp và cuộc sống của các bạn sẽ thong dong và tự tại. Nói cho mạnh bạo hơn là các bạn đã chứng và có sự trải nghiệm của niết bàn tự thân ngay trong cuộc đời này. Khi thấu được vạn pháp vô thường sanh – diệt, không bền vững, niết bàn hiển lộ ngay trong tâm thức, muôn sự hanh thông, tam tai, đại nghiệp chẳng thể lui tới, có chăng nó thoảng qua như cơn gió rồi đi.

Các bạn! Tu là một sự thực chứng, không phải là một sự hứa hẹn làm như vậy để kiếp sau. Kinh Pháp Cú dạy, kiếp này khổ kiếp sau khổ, hai đời khổ. Kiếp này vui kiếp sau vui, hai đời vui. Kiếp này tạo nghiệp kiếp sau tạo nghiệp, hai đời tạo nghiệp. Kiếp này tu hạnh phúc, an vui, chứng ngộ, kiếp sau cũng sẽ tu hạnh phúc, an vui, chứng ngộ, hai đời tu đều hạnh phúc, an vui và chứng ngộ. Đây là một định lý thật rõ, chẳng ai chối cãi được. Cho nên, đừng mong cầu niết bàn ở kiếp sau, đừng tìm cầu sự an vui, hạnh phúc ở kiếp sau mà ngay trong kiếp này, chúng ta, theo như lời Đức Phật khai thị và được minh chứng bằng cuộc đời của Ngài, chúng ta có khả năng chứng được sự an vui, tịch tĩnh trong Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán của pháp thiền Thiền Mật do bậc Đại Sĩ Quan Thế Âm đã tu, đã luyện, đã chứng, đã giác ngộ để có được khả năng thể nhập vào cõi Ta Bà, có ánh mắt yêu thương nhìn cuộc đời, có nhĩ căn viên thông để lắng nghe, có hành động từ bi viên mãn để hỗ trợ, hộ trì cho mọi chúng sanh vượt qua đau khổ. Nếu các bạn thấu được điều này, đời sống của các bạn như sa mạc được hứng nước mưa từ trời mà sỏi đá cũng trổ lên nở hoa huống hồ chi là một kiếp người có đầy đủ trí tuệ và từ bi, có đầy đủ các căn lành thì nhất định chúng ta sẽ thành tựu được cuộc sống an vui.

Tất cả các pháp tới lui đều không bền vững, đều vô thường, các bạn hãy tinh tấn quán chiếu vô thường sanh – diệt trong từng sát na, các bạn cố gắng thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở, các bạn cố gắng tu Thiền Mật với pháp từ bi – trí tuệ quán của Mẹ hiền Quan Âm đã dạy cho chúng ta để chúng ta có sự quán chiếu sâu, thấu rõ sự không bền vững để thể nhập vào sự bền vững của niết bàn an vui, trải nghiệm được sự hạnh phúc, an lạc ngay nơi cuộc đời này, đừng hứa hẹn kiếp sau. Phật dạy kiếp này vui kiếp sau vui, hai đời vui, kiếp này các bạn an vui và hạnh phúc, kiếp sau các bạn sẽ an vui và hạnh phúc, hai đời đều vui và hạnh phúc. Nếu kiếp này các bạn than, kiếp sau các bạn đen hơn nữa. Nếu kiếp này các bạn cứ tặc lưỡi than thở thì kiếp sau các bạn sẽ thành con tắc kè, kêu hoài, kêu hoài rồi rớt xuống hố than, đen thui cả cuộc đời. Kiếp này than, tặc lưỡi, kiếp sau thành tắc kè đen thui như hồ than. Đừng như vậy!

Sống trên đời, sự việc đã xảy ra, muôn sự tới và lui chẳng bền vững, đừng nên đắm mình vào sự than thở, nuối tiếc, hối tiếc. Sống là hưởng hạnh phúc, an vui, niết bàn ngay bây giờ, tại đây, kiếp này bằng Chánh Niệm hơi thở, bằng từ bi quán, bằng thắp sáng đuốc tuệ, bằng quán chiếu nhìn rõ các pháp đều vô thường sanh – diệt từng sát na, các pháp đều không bền vững từ những mối giao hảo tình cảm, từ những cái tình như tình cha tình mẹ, tình vợ tình chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, người thân, từ tất cả những mối tương giao trong cuộc sống, từ cỏ cây, đất, nước, gió, lửa, ngay cả hành tinh, thế giới này cũng không bền vững. Sao ở trên trời, nước ở dưới biển, núi ở ngoài kia, muôn sự ta có thể cảm nhận, nhìn và hiểu được, đều không bền vững, đều là vô thường sanh – diệt nên đừng ở đó mà trông đợi một điều gì đó tồn tại mãi trong cuộc đời mà hãy trân quý những gì do nhân duyên mà ta đang có và đang hiện diện trong cuộc đời. Trân quý, sống bằng ân bằng nghĩa, sống bằng Chánh Niệm hơi thở, sống bằng từ bi và trí tuệ, sống bằng pháp thiện, sống để tịch ở trong cõi tĩnh của miền đất chân như, tịch tĩnh trong miền đất chân như, an vui ngay niết bàn ở kiếp này. Đời này vui, đời sau vui, đời này hạnh phúc, đời sau hạnh phúc, hai đời đều vui và hạnh phúc. Đời này các bạn than, đời sau đen như than Quảng Ninh. Đời này các bạn tặc lưỡi than thở thì đời sau thành tắc kè thôi, khổ lắm, cho nên, hãy sống bằng Chánh Niệm hơi thở, hãy quán chiếu từ bi và trí tuệ, pháp tu của Mẹ hiền Quan Thế Âm để chúng ta không than thở, tặc lưỡi mà chúng ta phấn khởi, an vui mỗi ngày trong cuộc đời, có sự trải nghiệm hạnh phúc ngay tại đây, chỗ này và bây giờ.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Xin hãy gia trì cho chúng con có đầy đủ tư lương của lòng từ bi và trí tuệ của bậc giác ngộ để chúng con quán chiếu thấu rõ vạn pháp vô thường sanh – diệt, không bền vững để chúng con không còn than thở, hối tiếc, nuối tiếc, tặc lưỡi mà chúng con tinh tấn trụ vào trong Chánh Niệm để có một sự trải nghiệm hạnh phúc, an vui mà trân quý tất cả những điều gì, những hiện tượng, những sự việc, những con người đang hiện hữu trong cuộc đời của chúng con.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts