Search

Bài 2052: Quyền Hạn Quá Cao | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lạc bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi.

Mời các bạn quy ngưỡng về với Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con thành kính nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng thành kính nguyện xin mười phương Chư Phật, Chư Bồ Tát, Thánh Hiền với lòng bi mẫn thương yêu chúng sanh, ban rải thật nhiều năng lượng khai mở trí tuệ, nâng đỡ cho tất cả những người dân thuộc miền Á Đông, từ Ấn Độ cho tới các nước lân cận, đặc biệt là Việt Nam quốc tổ thân yêu yêu của chúng con đang bị đại dịch gây đau khổ, hoang mang và sợ hãi. Với lòng tha thiết thành kính, nguyện xin các Ngài mang tình thương che chở để mọi chúng sanh trong vùng miền đó có đầy đủ phước báu chuyển hóa và vượt qua.

Xin Chư Phật mười phương chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở, đắm mình vào nguồn sống của tự tâm để trí tuệ được rửa sạch những vẩn đục của bất thiện nghiệp, sáng lên, soi đường cho ta an yên, tự tại giữa cõi trần Ta Bà. Chúng ta hãy nhớ tới tất cả Cửu Huyền Thất Tổ, những người thân yêu của chúng ta dù đã quá vãng hay còn hiện tiền trong cuộc đời. Hãy nhớ đến tất cả, hãy mang tình thương và từ bi – trí tuệ, chúng ta trao gửi và rải tới cho nhau. Để sự sợ hãi trong cuộc đời chẳng còn lui tới, sự bình an luôn hiện diện trong tâm của mỗi người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn có khỏe không? Hôm nay Bảo Thành thấy khỏe nhưng vừa hơi xịt lỗ mũi. Cơ thể của con người mà, lúc khỏe, lúc bệnh, lúc thì phù hợp với cảnh này, lúc thì không phù hợp. Thay vì muôn người thấy những cảnh đẹp họ thích, họ vui, Bảo Thành cũng như vậy nhưng có một điều tối kỵ trong khoảng thời gian vài năm gần đây, cơ địa, cơ thể của Bảo Thành đã thay đổi nhiều. Cái đẹp có thể nhìn toàn diện, nhìn thật sâu để thấy được cái đẹp tuyệt vời trong chân tâm của mọi vật. Như một bông hoa, Bảo Thành có thể nhìn thấy xuyên suốt cái đẹp hiển nhiên, lộ giữa cuộc đời nên lúc nào cũng thích chụp hình hoa xung quanh sân chùa để khoe với các bạn trên Facebook, ngõ hầu cái đẹp từ sân chùa qua những bông hoa đó, dù các bạn ở thật xa cũng có cơ hội nhìn thấy cái đẹp thiên nhiên. Tuy nhiên, điểm yếu của Bảo Thành là không ngửi được hương hoa. Phật Đản, Phật tử dâng hoa, các bạn có thể thấy trước điện Phật, quá trời hoa đẹp vô cùng mà Sư cô trụ trì Lệ Hậu trang trí, trưng bày tuyệt vời. Bảo Thành thích cái đẹp đó, bởi dâng lên cho Phật là cái đẹp của tâm hồn qua hoa, còn phần hương, Bảo Thành không dám nhận bởi vì khi ngửi vào bị sổ mũi. Cho nên, Bảo Thành thật cố gắng nhưng nếu các bạn thấy Bảo Thành sổ mũi thì cũng biết rằng đó là sự dị ứng của hương hoa. Nhưng Bảo Thành không dị ứng với cái đẹp của hoa nha các bạn.

Các bạn ơi! Với một chủ đề nhìn sơ qua thôi là thấy hình như nó hợp với Bảo Thành, nó hợp với các bạn. Chủ đề các bạn gửi tới là: “Quyền Hạn Quá Cao”. Quyền hạn quá cao đó, để nó đứng ở đây, đợi một chút mình sẽ nói tới nha các bạn. Mình sẽ nói tới quyền hạn quá cao sau!

Bây giờ, chúng ta nói tới mật ngôn Mu A Mu Sa, nói rõ để hiểu thấu. Chân ngôn Mu A Mu Sa, khi nói đến chân ngôn, nói đến mật ngôn, nói đến Phật ngôn, chẳng phải nó chỉ có ý nghĩa sơ sài, mà trong ngôn ngữ đó được gọi là bí mật bởi nó chứa tạng mật mà trí tuệ viên giác ở trong đó. Khi chúng ta thành kính, tạo dựng được nhiều phước báu, thể nhập vào trong chân ngôn đó thì muôn điều kỳ diệu của tánh Phật giác ngộ như nước mưa, sẽ thấm vào trong nhân Phật của ta, để từ đó, biết bao nhiêu những chuyện không thể nghĩ, không thể nói, nó từ từ hiển lộ mà chỉ có ta, người khi trì chân ngôn đó mới có một sự trải nghiệm kỳ diệu. Không nói được, không chia sẻ được nhưng cái kỳ diệu của Mu A Mu Sa cũng không quá xa tầm tay. Kỳ diệu ở chỗ là khi chúng ta trì mật chú Mu A Mu Sa, mỗi một người trong chúng ta, Bảo Thành và các bạn đều đón nhận được năng lượng vi diệu đại từ đại bi, năng lượng tình thương của mười phương Chư Phật.

Các bạn có biết không, có biết bao nhiêu những nguồn năng lượng ở bên trong cũng như ở bên ngoài, nhưng không có một nguồn năng lượng nào có thể chữa lành tất cả mọi vết thương từ bất thiện nghiệp từ muôn đời, muôn kiếp ta đã tạo ra, mà chỉ có năng lượng duy nhất và năng lượng duy nhất đó là năng lượng tình thương. Chỉ có tình thương mới chữa lành tất cả mọi vết thương và chỉ có tình thương của Chư Phật, năng lượng từ bi của Chư Phật, năng lượng từ bi của tánh Phật mới có thể chữa lành tất cả mọi vết thương nghiệp chướng từ vô lượng kiếp mà Bảo Thành, các bạn đã tạo ra cho chính mình.

Điều này cần phải ghi chú để hiểu thấu. Oán với oán hà thời oán, và chỉ có năng lượng tình thương, năng lượng tha lực Phật điển từ bi của Phật mới làm cho hằng hà sa những vết thương đau đớn bởi nghiệp chướng nhiều đời của ta liền được lành và khỏe, đẹp, không còn một vết thẹo, không còn một vết dơ, sạch trong, tinh tuyền như kim cương. Điều này nhớ rõ để chúng ta thấy giá trị tuyệt đối của năng lượng tình thương đại từ đại bi Mu A Mu Sa. Năng lượng này được dẫn tới, được thể nhập, được ban rải qua trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là trí tuệ viên giác, là ánh sáng thẩm thấu qua năng lượng từ bi để hiểu được vạn pháp vô thường, và vì vô thường tạo ra khổ, và vì có ngã tướng bám víu nên tạo khổ cho nên mật ngôn này giúp ta nhìn thấu các pháp vô thường, khổ, vô ngã, không có ngã tướng để rồi có thể tiếp cận được với niết bàn ngay trong cuộc đời này.

Các bạn! Đó là hai mật ngôn mà mỗi người chúng ta nên đón nhận năng lượng tình thương của Phật và thắp đuốc lên, đuốc trí tuệ của Phật để tự đi trong cuộc đời tới bờ giác ngộ niết bàn ngay trong gia đình, cuộc sống này.

Các bạn ơi, bây giờ chúng ta mang “Quyền Hạn Quá Cao” tới trước mặt để bắt đầu nói tới. Ai trong chúng ta cũng mong muốn có một quyền hạn cao để nắm trong tay cái gọi là quyền lực, quyền lực từ gia trưởng trong gia đình, từ người làm chủ trong gia đình, người làm chủ đất, người có quyền lực để có quyền hạn cao hơn để làm chủ người này, người kia, như có thể là một nhân viên cảnh sát, một người làm trong chính quyền hoặc một ông trưởng, ông phó, rồi có thể là thống đốc, có thể là tổng thống, có thể là thủ tướng. Nói chung các quyền, chủ tịch tỉnh, thành phố, địa phương, xóm, đủ hết. Được trao quyền hạn là có quyền lực, có quyền lực là bắt đầu ngực bự ra, hống hách.

Hình như con người là như vậy! Chưa có gì thì không sao, mà có một vài ngôi sao ở trên vai gọi là có cấp bậc rồi thì quyền lực cao, cao tận trời, dùng quyền hạn trong quyền lực đó để áp chế, để thống trị.

Ý nghĩa của quyền lực và quyền hạn song song với nhau và thể hiện bởi hành động. Nhất định Bảo Thành và các bạn đã có nhiều lần nói trong đầu: “Người này quyền lực quá cao, quyền hạn vượt ngoài tầm tay cho nên hống hách và hay đàn áp người khác”. Nhất định trong cuộc đời mỗi người đã từng đương đầu với và trải nghiệm qua sự hống hách của những người có quyền lực và quyền hạn trong xã hội. Còn nếu trong gia đình hay ai đó như vợ như chồng đứng lên sừng sững giữa nhà, mang vào quyền lực làm chủ gia đình để có quyền hạn thống trị vợ, chồng, hoặc con cái thì nhà đó xem như là toang hết rồi. Mà ở đời người ta hay dùng từ mà Bảo Thành cũng thích nghe là “toang rồi ông giáo ơi”, tức là toang, không còn gì nữa bởi người mà thích đứng đầu làm chủ, gia trưởng thì gia đình lộn xộn dữ lắm.

Trong thôn, trong xóm, trong bạn bè, trong gia đình rồi ngoài xã hội, kẻ có quyền lực được giao quyền hạn thường hay quên bản thân của mình là ai, để rồi chưa tới đầu ngõ, tiếng đã vang cả khu phố rồi, lực đã làm chấn động, cả thần dân ai cũng sợ. Để mỗi khi đương đầu với những người có quyền lực và quyền hạn trong xã hội, trong gia đình, trong tổ chức chính phủ, chính quyền nơi quốc độ ta sống, thường thì chúng ta hay bất mãn với những người như thế. Thật ra những người được trao quyền và có lực trong quyền đó, có quyền hạn làm việc đó, đúng ra là người đi tới với lòng khiêm tốn để phục vụ cho những người đã trao cho mình cái quyền đó. Quyền để phục vụ chứ không phải quyền để làm ông lớn, bà lớn mà thiên hạ nói là làm cha người ta. Nhưng con người vốn có tánh tham quyền, tham lợi, từ đó mà hầu hết những ngôi vị, địa vị, phẩm vị từ trong xã hội đến các tôn giáo, dần dần ta bị lậm vào quyền lực đó, cho mình quyền hạn quá cao, quên mất mình là đi tới để phục vụ, rồi cuối cùng nghĩ rằng mọi người tới phải phục vụ ta, để chễm chệ ngồi trên ghế cao, tọa ở trên cao. Bởi vậy trong Phật giáo có một điều rất hay mà ta phải để ý. Nhưng ngày nay chắc bớt rồi, bởi vì hình như đau lưng, mệt mỏi nên không ai như vậy nữa. Nghĩa là hầu hết trong Phật giáo, quý Thầy và quý Phật tử ngồi trên sàn nhà, cao chút xíu là có tọa cụ, như Bảo Thành đang ngồi đây thì cũng ngồi trên nền của chánh điện và có tọa cụ mà thôi. Đây nói đến tinh thần bình đẳng, không cao không thấp, nó được thể hiện qua đời sống. Cho nên, để noi gương ý nghĩa cao đẹp đó, từ xưa tới giờ, chúng ta, trong những nghi thức lễ của Phật, các bậc tôn túc cũng hay ngồi bình đẳng, tức là đồng trên một mặt phẳng, không có chênh lệch đối với Phật tử. Có chút khác là quý Phật tử đôi khi để một tọa cụ hoặc khoảng chừng 5, 6 phân cao hơn chút xíu để các bậc tôn túc ngồi ở trên đó, khi giảng hoặc khi tụng Kinh, dễ nhìn thấy quý Phật tử. Đó là ý nghĩa, nhưng mà đồng nghĩa là luôn luôn muốn bằng và bình đẳng để quyền lực và quyền hạn theo tinh thần Phật giáo mà Bảo Thành tí nữa giải nghĩa, các bạn sẽ thấy nó mang ý nghĩa khác với quyền lực và quyền hạn trong xã hội như các bạn đang hiểu hiện tại. Ta không bàn đến chuyện đó nữa, ta đi về với Đức Phật đi.

Đức Phật thuở xưa, Ngài là một thái tử, Ngài được hấp thụ một nền giáo dục thật cao, cao bậc nhất của cung đình thời đó, do vua cha và các quan tướng thời đó luôn luôn phải hướng dẫn cho một vị thái tử kế thừa ngôi vua. Cho nên, Ngài học về văn thật giỏi, về võ cũng giỏi, văn võ song toàn để Ngài chuẩn bị bước lên ngôi vương làm vua. Các bạn nhớ, thời phong kiến xưa, là một vị vua thì quyền lực vô song, quyền hạn không có giới hạn, nói sống là sống, nói chết là chết, thay trời làm mưa, rất là dữ, vì làm vua mà, đó là quyền lực tối hậu. Thái tử Tất Đạt Đa lúc đó nhất định hiểu được sức mạnh của quyền lực, của ngôi vương, và cũng song hành với cái nhìn thấy đó, cũng có một người luôn luôn nhìn thấy quyền lực cao đó, mong muốn có được, đó là người anh em họ Đề Bà Đạt Đa. Nay nói đến Đức Phật, Đức Phật thời đó là thái tử nhìn thấy rõ bởi Ngài được học quyền lực của vương quyền, nhưng đối với thái tử lúc đó, không suy nghĩ rằng quyền lực của ngôi vua là quan trọng, mà quyền lực để cho mình quyền hạn được giải nghĩa theo đời sống của Đức Phật thời đó, của thái tử đời đó, quyền lực và quyền hạn là năng lực kiểm soát tâm. Năng lực kiểm soát tâm để phục vụ chúng sanh, chứ không phải là quyền hạn của một bậc vương đế, nói một lời như sấm trên trời, động một cái như muôn cõi đều phải rung chấn. Không!

Quyền lực đối với Phật, chẳng phải là vương quyền, cho nên Ngài sẵn sàng từ bỏ vương quyền làm vua để đi tìm một chân lý có khả năng thực tập để kiểm soát và làm chủ tâm. Hồi xưa, người ta luôn nghĩ rằng mọi người không có quyền hạn làm chủ tâm của mình, phải bán thần thức, nói đúng hơn, từ thường dùng đó là phải bán linh hồn cho những người có quyền hạn kiểm soát linh hồn của chúng ta. Như là thượng đế, người có quyền hạn kiểm soát linh hồn, thần thức của ta, như những ông đạo, những người làm trong những phẩm vị cao của tôn giáo, họ ban ơn thí phước, hoặc là họ trừng phạt cho nên những vị đó, Trời, Thần, Thánh, Tiên, những vị giáo chủ, họ có quyền hạn bởi họ có quyền lực làm chủ, kiểm soát, không những đời sống của người dân, mà cả linh hồn, thần thức, tâm linh của muôn người. Thái tử thấy điều đó không đúng nên đã bỏ quyền lực của một vị vương, một vị vua để đi tìm một chân lý thực tập, thực hành để tìm lại được quyền kiểm soát, làm chủ đời sống tâm linh của mình. Vậy nên đối với thái tử thời đó, khi đã vượt thành ra đi là vượt qua chướng ngại của quyền lực nơi con người trao tặng bởi phước báu sinh ra là thái tử con vua, để trở thành một người không mặc lên cuộc đời này những vương quyền cao cả, có quyền hạn trừng phạt hay khen thưởng, làm chủ người khác mà đi tìm một kho châu báu tuyệt vời hơn, đó được gọi là năng lượng kiểm soát chân tâm của chính mình, để linh hồn, thần thức của mình, mình được làm chủ, mình kiểm soát được nó và đồng hành với nó, chứ không phải Thượng đế, không phải Thần, Thánh, Tiên, không phải các bậc giáo chủ có quyền hạn làm chủ, ban thưởng hoặc trừng phạt linh hồn, thần thức của ta.

Cho nên đối với Bảo Thành, hai chữ “quyền hạn” nơi quyền lực của mỗi một con người đó chính là khả năng kiểm soát và làm chủ tâm của chúng ta. Bảo Thành giải thích như vậy theo tinh thần của Đức Phật thể hiện, Ngài từ bỏ quyền lực của một thái tử làm vua, thành vua để trở thành một người đầu đội trời chân đạp đất, bình đẳng muôn người để tìm lại khả năng làm chủ chân tâm. Còn không, nếu Ngài không có được cái nhìn như vậy, Ngài sẽ có một cái quyền hạn quá cao như những vị vua thời phong kiến, thời đó. Cho nên đối với chúng ta ngày nay, nếu chúng ta cứ mơ rằng quyền lực trong một địa vị xã hội được trao hay tự dựng lên cho chính mình để có quyền hạn quá cao làm chủ người khác, làm chủ cảm xúc của người ta, làm chủ đời sống của người ta, làm chủ đời sống tâm linh của người ta thì chúng ta đã ôm vào một giấc mơ mà trong đó toàn là lửa của địa ngục đang sôi sục từng giây, sẽ nổ tung, thiêu cháy chúng ta mà thôi. Nó không có thật, nó là huyễn giả, hãy trở về và sống chân thật với ý nghĩa của Đức Phật. Quyền hạn của mỗi người chúng ta là gì? Là khả năng kiểm soát và làm chủ tâm vốn có nơi tánh Phật thường hằng bất biến, bất sanh – diệt. Đừng khước từ quyền hạn đó để lao vào quyền hạn của một quyền lực trong thế gian về vật chất, về tiền, tình để rồi ôm khối sầu vào trong tim, than khóc với thiên hạ, ô nhục cả cuộc đời, tuổi hổ cho gia đình, gia phong, ông bà, cha mẹ của chúng ta. Hãy sống và hãnh diện, mỗi người chúng ta có một quyền hạn cao lắm, quyền hạn đó là chúng ta có khả năng kiểm soát, khả năng làm chủ đời sống của tâm linh nơi mỗi người, không ai làm chủ điều đó. Quyền hạn này, chúng ta phải hãnh diện.

Thông thường, đời sống tâm linh hay được đặt để vào các đấng tối cao. Từ tối cao là ông trời đến các vị Thần, Tiên, Thánh, rồi đôi khi thần tượng quá đáng, đời sống tâm linh của ta lại đặt vào tay quyền hạn của những vị có quyền lực như những vị giáo chủ đứng đầu tôn giáo, đứng đầu đời sống tinh thần, để ta phó mặc cho các đấng ấy ban bố hoặc cứu độ chúng ta. Đó là một tư tưởng hoàn toàn sai. Ta có quyền hạn kiểm soát tâm của chúng ta và quyền hạn kiểm soát tâm của chúng ta cao dữ lắm, cao đến mức không ai có thể làm chủ được ta, chỉ có chính ta trở về với Phật tánh thì lại hòa mình vào với thiên nhiên để thể nhập vào sự tự chủ trong tự do, bình đẳng với muôn loài muôn vật, chẳng dính mắc trong những chấp trược gây ra đau khổ cho mọi người. Đây không phải là quyền hạn quá cao mà là quyền hạn cao tột nếu biết trở về, còn nếu chỉ mặc vào quyền lực của thế gian thì ta sẽ có quyền hạn quá cao vượt ngoài tầm tay để áp chế những người khác, gây khổ cho muôn dân và cuối cùng nghiệp đó, ta phải chịu. Còn nếu chúng ta hiểu thấu được quyền hạn quá cao của chúng ta là ở chỗ vượt qua khỏi giới hạn quyền lực của các ông giáo chủ, của các ông trời, của các bậc Thần, Tiên, Thánh, họ không làm chủ và chẳng có quyền hạn cao để làm chủ đời sống tâm linh của chúng ta để trừng phạt xuống địa ngục hoặc đưa lên cảnh giới của thiên đàng, niết bàn mà chỉ có chúng ta mới có quyền hạn này mà thôi. Vậy nên quyền hạn này, chúng ta phải lãnh nhận để phục vụ chính cuộc đời của mình. Phải lãnh lấy thôi các bạn!

Đây là quyền hạn của chúng ta, quyền lực là khả năng kiểm soát chân tâm của mình, quyền hạn là khả năng để làm chủ, kiểm soát rồi làm chủ. Mà Đức Phật nói, nếu tâm của chúng ta được làm chủ thì vạn pháp vô thường sẽ trở thành phương tiện để mang tới hạnh phúc cho ta và muôn người. Gương của Đức Phật thật rõ, Ngài không đón nhận quyền lực của thế gian như một vị đế vương, một ngôi vương mà Ngài đi tìm quyền lực trong quyền hạn, khả năng kiểm soát đời sống tâm của Ngài, để từ đó, Ngài được thế gian gọi là Phật. Nhưng con người dần dần đã biến chữ “Phật” như là chữ “vua” để tôn thờ chữ “Phật”, đưa chữ “Phật” lên một phẩm vị quá cao. Thật ra chữ “Phật” có ý nghĩa rất bình thường, đó là tỉnh thức, Phật là người đã thức tỉnh, vậy thôi. Còn chúng sanh là người đang ngủ, đang mê. Phật là người đã thức tỉnh, chúng sanh là người đang ngủ mê trong nghiệp thức. Nhưng con người thích tô vẽ, biến chữ “Phật” như thành vua, thành vua cao cả quá, xa vời tầm tay và cho chữ “Phật” như có quyền lực để ban bố, thi ân, bố đức, như có quyền hạn làm chủ đời sống tâm linh và tâm thức của người khác, để rồi chúng ta lại một lần nữa đi theo Phật nhưng biến Phật thành một vị vua tâm linh để quỳ lạy xin Ngài thương xót cứu vớt linh hồn của ta, thì khác gì chữ “Phật” đồng nghĩa với ông trời, Chư Thần, Chư Thiên, Chư Thánh. Mà ngày xưa chúng ta từng quy y theo để xin Phật cứu độ, đưa linh hồn, thần thức về cảnh giới cao như niết bàn, như thiên đàng, như cõi Phật, Chư Phật không hàm ý như vậy. Phật có nghĩa là người đã tỉnh thức, người đã thức tỉnh, chúng sanh là người mê và người thức tỉnh là bậc thầy đến đánh thức chúng ta khi còn mê: “Dậy đi, dậy đi”. Có vậy thôi!

Phật là người đã thức, nay đi vào cuộc đời để đánh thức những người còn ngủ mê như chúng ta thức dậy. Nếu hiểu được điều đó thì Phật chính là người đang đi tới để phục vụ cho chúng sanh bằng lòng khiêm hạ, khiêm cung, khiêm tốn, chẳng mặc vào một vương quyền cao cả để thể hiện quyền lực, nhưng chính vì chúng ta đã tô vẽ nên làm cho Phật và chúng sanh xa, xa khỏi khoảng cách mà không thể tới được với nhau, xa đến vô hạn để rồi Phật biến thành trời.

Phật là người tỉnh thức, người đã thức tỉnh! Cho nên, quyền hạn quá cao trong quyền lực của con người trao cho nhau đó, chỉ ở trong cõi trần hư ảo, vô thường này mà thôi, chẳng tồn tại. Còn quyền hạn trong quyền lực là khả năng kiểm soát cảm xúc, kiểm soát tâm của chúng ta, đó mới là điều cao quý mà Đức Phật đã thực hiện và thể hiện trong cuộc đời của Ngài. Để nói và minh chứng một thông điệp thật rõ: “Phật không làm chủ đời sống tâm linh của chúng ta. Phật cũng chẳng có quyền lực và quyền hạn ban bố cho chúng ta một cõi nào cao quý để hưởng hoặc trừng phạt chúng ta xuống một cõi địa ngục tầng 18”.

Hồi xưa thì nói đến tầng 18, có 18 tầng địa ngục, đó là cách nói hồi xưa chứ còn ngày nay, tận cao có lẽ đến 100 tầng, sâu xuống dưới. Con người tội lỗi càng nhiều thì càng nhiều tầng, 18 tầng chắc chứa không đủ bởi tội lỗi, nghiệp chướng quá nhiều. Văn minh rồi, các kiến trúc sư địa ngục có lẽ phải chế đến hàng trăm tầng, hàng ngàn tầng địa ngục mới có sức chứa, bởi thế gian ngày nay, con người tội chướng, nghiệp chướng quá dày, quá nhiều, 18 tầng không chứa đủ. Cho nên các bạn thấy xung quanh Sài Gòn, các nơi trên thế giới, người ta đâu có xây 1, 2, 3 tầng hoặc 18 tầng đâu, người ta xây đến cao tầng, tức là không có giới hạn. Nếu ở đời, xây những tòa nhà cao tầng không có giới hạn bởi sức chứa quá hạn hẹp thì địa ngục sẽ cũng có vô số tầng sâu trong những cảnh giới nghiệp thức khác biệt. Vậy nên trên đời, chúng ta nhớ rằng, đừng để lọt vào trong những sự rối rắm ngôn ngữ đó, mà hiểu một cách đơn giản rằng, quyền hạn quá cao đó là quyền hạn của thứ quyền lực mà thái tử ngày xưa đã coi thường và bỏ đi, thì chúng ta ngày nay, trong đời sống của gia đình, của vợ chồng, của xã hội, trong đời sống thực tập chân lý của Phật, đừng đi tới với Phật để ôm vào một quyền lực để có quyền hạn quá cao, thống trị Phật tử, thống trị bạn đồng tu hoặc là chễm chệ ngồi ở trên một chỗ nào đó để người ta tới, người ta cung phụng mình mà hãy như Đức Phật, coi đó như là cái khố rách, bỏ nó đi, không cần phải mặc, mà đi tìm lại quyền hạn cao hơn là khả năng quyền lực làm chủ tâm, làm chủ cảm xúc, làm chủ đời sống tâm linh của chúng ta. Chứ không thể phó mặc cho những ông trời, vị Thần, vị Tiên, vị Thánh hoặc những vị giáo chủ, hoặc những vị đứng đầu tôn giáo làm chủ đời sống tâm linh của chúng ta.

Hãy trao cho mình có được quyền lực và quyền hạn cao cả đó một lần nữa trong kiếp người này để chúng ta đứng dậy, đi theo Đức Phật, tìm được chân lý để trở thành người thức tỉnh như Phật, để trở thành người tỉnh thức như Phật chứ đừng u mê, lầm chấp trong quyền lực của thế gian. Quyền lực của thế gian là quyền lực của ma quỷ, của ác nghiệp, của địa ngục, của súc sanh, của ngạ quỷ, người tỉnh thức không mê những thứ quyền lực đó, chẳng cần những quyền hạn đó, quyền hạn đó tự nhốt mình vào trong ngục tối, còn quyền hạn tột cùng mà mỗi một người con Phật có, đó chính là quyền lực kiểm soát chân tâm của mình, cảm xúc của mình, hành động thiện hay ác của chúng ta, nói rõ hơn là quyền lực để có quyền hạn làm chủ được nhân quả. Ai làm chủ được nhân quả, người đó sẽ được gọi là người tỉnh thức và chữ “thức tỉnh” đó được gọi là Phật. Chữ “Phật” thật gần gũi, thật gần gũi bởi Phật là người tỉnh thức. Nếu các bạn đã thực sự thức tỉnh, nhận ra đâu là quả ác, quả thiện, nhân ác, nhân thiện để chọn những nhân thiện tạo ra quả thiện, có phước báu thì các bạn đã là người tỉnh thức rồi, xứng với ngôi vị Phật, có thể gọi bạn là như thế. Còn nếu không thì các bạn sẽ trở thành người anh em họ của Phật, tức là Đề Bà Đạt Đa, mê đắm trong quyền lực của thế gian, khi còn là thái tử trong cung đình, tranh giành quyền lực với Phật, với thái tử Tất Đạt Đa, khi thái tử Tất Đạt Đa coi đó là cái khố rách, bỏ đi thì chụp lấy, muốn lên vương quyền. Nhưng không được! Rồi Phật đã xuất gia, đi tu thành Phật thì lại đi theo Phật, muốn ôm ấp, khao khát một quyền lực cao hơn nữa, cao hơn Phật để thống trị cho nên suốt cả cuộc đời của Đề Bà Đạt Đa là đi chiếm đoạt vương quyền, quyền lực và quyền hạn của thế gian để rồi chết trong tức tưởi, chết không nhắm mắt. Mà rất may là còn có Phật chứng kiến cảnh ra đi, cho nên đã chúc phúc cho ông ta để sự chết của ông ta trong cả cuộc đời bon chen quyền lực và quyền hạn quá cao nơi đời sống vật chất hư ảo. Cho nên, ông ta, cuối cùng cũng được chúc phúc. Còn chúng ta có cơ may gặp Phật để được Phật chúc phúc phút cuối của cuộc đời đắm mình trong quyền lực và quyền hạn của thế gian hay không? Chắc là không! Cho nên các bạn đừng mơ tưởng đến điều đó.

Hoặc nếu các bạn là người có quyền lực, có địa vị và có quyền hạn được trao bởi người dân hoặc được trao bởi một nhóm, một tổ chức, dù là xã hội hay tâm linh, tôn giáo, các bạn phải luôn luôn nhớ rằng quyền lực đó là quyền kiểm soát tánh thiện của các bạn, năng lực. Nếu các bạn được trao quyền lực đó thì bạn có quyền hạn kiểm soát năng lực phục vụ mọi người chứ đừng nghĩ rằng ta ngồi đó để mọi người phục vụ ta. Chúng ta tới, đón nhận quyền lực người ta trao để có quyền hạn phục vụ nhân sanh, đây mới là ý nghĩa cao cả. Đừng mặc vào quyền lực được trao để có quyền hạn thống trị. Đó là sai, nghiệp vô cùng, phước báu chẳng còn. Cho nên, nếu các bạn là người có phước báu, được mọi người tín nhiệm, trao cho bạn quyền lực để có quyền hạn phục vụ, hãy sử dụng quyền hạn phục vụ đó chứ đừng lật ngược lại để thấy rằng ta là người có quyền lực để muôn người phải phục vụ ta bởi ta có quyền hạn trừng phạt, khen thưởng. Đó là Tà pháp, Tà kiến, sai rồi. Hãy noi gương Đức Phật có một đời sống thật là chân thật!

Hai chữ “quyền hạn” được hiểu theo Bảo Thành, theo Bảo Thành, còn các bạn muốn hiểu sao các bạn hiểu, tức là khả năng kiểm soát cảm xúc và khả năng kiểm soát, làm chủ tâm. Như gương Đức Phật, chẳng thèm quyền lực của một ngôi vị vua, mà đi học chân lý để có khả năng kiểm soát tâm, kiểm soát đời sống tâm linh, cảm xúc, cho nên cuối cùng, Ngài đã trở thành người tỉnh thức, không u mê và được gọi với cái danh là Phật. Cho nên Phật là bậc đã tỉnh thức, còn chúng sanh là người chưa tỉnh thức, cho nên Phật nói: “Ta là Phật, tức là ta là người đã tỉnh thức, các con là người sẽ tỉnh thức, tức là sẽ thành Phật”. Hãy hãnh diện về điều mà Chư Phật đã trao cho chúng ta qua thông điệp: “Ta là Phật, tức là người đã tỉnh thức, các con là người sẽ tỉnh thức, chúng ta sẽ tỉnh thức”. Khối u mê mỗi người có khác, tuy nhiên, theo Phật rồi thì cả khối u mê đó, chúng ta sẽ bắt đầu gọt giũa, đục đẽo để nó nhỏ dần, nhỏ dần và thổi bay nó đi để được tỉnh thức.

Hy vọng các bạn đón nhận ý nghĩa “Quyền Hạn Quá Cao” trong chủ đề này được giải thích theo tấm gương của Đức Phật, tức là quyền hạn của chúng ta là gì? Là khả năng kiểm soát và làm chủ cảm xúc cũng như tâm của chúng ta trong cuộc đời, đó là một quyền lực tối hậu đưa chúng ta vượt qua sự vô minh, vượt qua địa ngục tăm tối để tới được niết bàn. Còn quyền lực của thế gian được người dân, được mọi người trong nhóm, trong tôn giáo, trong xã hội tôn vinh, trao quyền thì chúng ta có quyền lực đó và có quyền hạn để phục vụ, hiểu theo điều đó, phục vụ dân, phục vụ đại chúng, phục vụ chúng sanh, đừng hiểu lầm để rồi ngồi như một ông vua để người khác phục vụ. Nếu các bạn là Phật tử, phải lưu ý để đừng lẫn lộn trong quyền lực đó, để rồi khi lên rồi thì gọi ông này, ông kia. Cái đó sai!

Hãy sống với tinh thần của Đức Phật để chúng ta tu luyện lòng khiêm tốn, tánh khiêm cung, có được sự khiêm hạ và biết có tình thương lớn để phục vụ muôn người bằng tánh bình đẳng, không cao không thấp. Mà cái đó chỉ có trong con người đã thức tỉnh, còn người còn u mê, khó có thể thành. Hãy thể nhập vào hơi thở Chánh Niệm và từ bi – trí tuệ quán, các bạn sẽ có được khả năng đó. Cho nên Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là một pháp quán gọi là trí tuệ – từ bi quán để chúng ta có được quyền hạn cao, làm chủ cảm xúc và tâm để có quyền lực phá tan cửa ngục, đi vào niết bàn, tự thân thắp sáng, không hề run sợ. Còn không, chúng ta đã bán thần thức và linh hồn cho những ông đạo, cho ông trời, Chư Thần, Chư Thiên, Chư Thánh và rồi các vị đó cũng chẳng làm được gì hết. Nhưng ít nhất, chúng ta sẽ chuốc khổ vào thân bởi đắm đuối trong những sự mê tín dị đoan, không đúng chân lý của nhà Phật.

Hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức, bởi không biết con ma vô thường khi nào sẽ tới. Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ giúp cho bạn có một đời sống tỉnh thức, để khi con ma vô thường tới, các bạn chào nó một cái, nó sẽ biến thành bạn thân để tiễn bạn về cảnh giới an vui.

Xin mời các bạn đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau, lấy Từ Bi và Trí Tuệ để thể nhập vào trong hơi thở của Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán.

“Thưa Phật! Trong pháp quán Từ Bi – Trí Tuệ của Mẹ hiền Quan Thế Âm đã đưa chúng con tới tầng cao của sự hiểu biết quyền lực kiểm soát chân tâm, cảm xúc để có được quyền hạn vượt qua vùng tăm tối, chứng đắc sự trải nghiệm an vui trong cuộc đời. Nguyện xin Chư Phật và Mẹ hiền Quan Âm gia trì, phù hộ để chúng con tinh tấn tu học, có được quyền lực này và có được quyền hạn vượt qua vô minh, chiến thắng những nghiệp chướng nhiều đời đã tạo ra, để theo gót chân của Bậc Giác Ngộ, trở về miền an vui ngay trong kiếp đời ngắn ngủi này.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Xin các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Xin Ngài ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi và thắp sáng trí tuệ để người dân Việt Nam của chúng con, cũng như những người dân Á Đông có đủ nghị lực và sức mạnh, có đủ quyền lực và quyền hạn làm chủ chân tâm, vượt qua trong cơn đại dịch này. Biết tuân thủ theo những sự hướng dẫn của bộ y tế, chính quyền sở tại, sống giãn cách, giữ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Có quyền lực trong quyền hạn làm chủ cảm xúc trong những ngày tháng khó khăn, thử thách này để sống một đời sống tỉnh thức và yêu thương, ngăn ngừa bệnh dịch tái phát, lan truyền. Để cho xã hội, gia đình và cộng đồng được bình an.

Xin Chư Phật chứng minh và gia trì cho chúng con.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts