Search

Bài 2051: Đừng Áp Chế Người Khác | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facbook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con thành kính nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương và thắp sáng đuốc tuệ cho mọi người chúng con để chúng con quán chiếu nhận thấy các Pháp là Vô Thường sanh – diệt là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng thành kính nguyện xin mười phương Chư Phật gia hộ đặc biệt cho quốc tổ thân yêu của chúng con là Việt Nam đang bị đại dịch hoành hành, tạo ra sự chết chóc, tang thương và sợ hãi. Nguyện xin ánh Từ Quang nhân mùa Phật Đản chiếu tỏa toàn cõi Việt và các nước Á Đông đang bị đại dịch để năng lượng từ bi và trí tuệ sưởi ấm lòng người, thắp sáng hy vọng và muôn người thoát ra khỏi cảnh lo âu, phiền muộn này. Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng Từ Bi. Chúng ta hãy lấy Từ Bi và Trí Tuệ để quán chiếu thật rõ. Với hơi thở Chánh Niệm vào ra, với Từ Bi lan tỏa và Trí Tuệ được thắp sáng qua mật ngôn Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chánh Niệm hơi thở, Trí Tuệ – Từ Bi quán sẽ giúp cho mỗi người chúng ta đón nhận được năng lượng tình thương và dần thấu hiểu được các Pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã để đạt được sự an vui, Niết Bàn tịnh tĩnh nơi cuộc đời này.

Hãy thành tâm, hãy khiêm tốn, hãy ngồi xuống, chúng ta bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Ngay bây giờ, Bảo Thành đang ngồi tại chánh điện Chùa Xá Lợi tiểu bang Pennsylvania nơi Sư cô trụ trì là Lệ Hậu để đón mừng ngày Phật Đản hôm qua đã xong rồi. Trước bao nhiêu hương hoa dâng lên Chư Phật ngày Đản sanh, nhưng thời gian gần đây, hoa thì Bảo Thành rất thích, đẹp vô cùng nhưng hương của hoa lại làm cho Bảo Thành bị sổ mũi, đúng là phước báu để ngắm hoa vẫn còn nhưng phước báu để ngửi hương hoa thì không được nữa rồi. Dòng thời gian trôi qua, có những phước báu đặc biệt dần dần tăng trưởng mà cũng có những thể loại phước báu bị suy giảm. Thôi thì cuộc đời còn có phước báu để ngắm hoa dâng Phật đó là một điều tuyệt vời, còn chẳng còn phước báu ngửi hương hoa thì đó cũng là một phần trọn vẹn hương dâng lên cho Phật để những kẻ như Bảo Thành không ngửi trộm hương hoa khi đã lòng thành kính dâng lên cho Phật.

Các bạn thân mến! Trong sự tưng bừng, lòng hân hoan, hy vọng và hạnh phúc trào dâng trong mỗi một trái tim nơi chúng sanh, hạnh phúc xiết bao, hạnh phúc khôn lường khi Đức Phật đã giáng trần để xua đuổi đi màn đêm u tối trong tâm thức của mỗi người, để thắp sáng trí tuệ dẫn đường cho chúng ta đi vượt qua những thử thách ngang trái, chướng ngại để thành tựu được sự an vui. Chúng ta còn hạnh phúc biết bao khi Pháp Bảo của Ngài vẫn còn được trao truyền dưới mọi hình thức, phương tiện phù hợp với các nhân duyên của từng chúng sanh, để từ đó dù căn cơ tới đâu, chúng ta cũng dần dần được tỏ ngộ các Pháp màu của Phật để ứng dụng một phần vào đời sống để thêm vui, bớt buồn, thêm hạnh phúc, bớt khổ. Không những thế, tiếp xúc với những Bậc Thiện Tri Thức, Tăng thân, những Bậc đã từ bỏ cuộc đời xa hoa, phú quý để đi vào con đường sống chân thật, nhờ vậy ta luôn được nhắc nhở, che chở và dìu dắt.

Các bạn! Hòa vào với niềm vui ấy thì vẫn có, vẫn có điều gì đây? Có một đôi chút để chúng ta chia sẻ để thấy con đường mà Thế Tôn dạy cho chúng ta như thế nào để hiểu thấu là Đức Phật thật khác những Bậc Thầy khác, những Bậc Thầy tâm linh khác.

Nói đến chúng ta thôi, khi chúng ta ưa thích một cách trang trí như thế nào trong gia đình, trong thư phòng của chúng ta thì hầu như cái đẹp ta ưa, phù hợp ta thích nó rập khuôn trong tư tưởng, để khi chúng ta nhìn thấy một chỗ khác nó khác thì thường khéo léo hay đôi khi mạnh dạn, dạn dĩ gợi ý cho người ta thay đổi theo đúng như khuôn khổ của cái đẹp, thưởng thức của ta để họ làm theo những điều ta mong muốn. Có nghĩa ta thường muốn người khác làm theo ý mình, làm đúng theo sở thích của mình. Đó là lẽ thường mà ai cũng thích. Mấy ai lại thích người khác làm những điều mình không thích, mấy ai lại thích ngồi một chỗ để ngắm những cảnh, cách trang trí, cách sống hoặc nghe những thứ ngôn ngữ mình không ưa? Đó là một chuyện nhưng chuyện khác là ta không thích nhưng ta vẫn muốn người khác làm theo ý của ta, không thích người ta hành xử theo ý của họ nhưng vẫn thích người ta hành xử theo đúng như ý của mình, rập khuôn ý của mình, nếu không được thì dùng đủ mọi phương tiện bắt đầu áp chế. Người ta gọi là nghệ thuật áp chế, nghe cũng hay nhưng thật ra là chúng ta bắt đầu đã đưa tầm cao siêu suất, tầm cao siêu việt của bản ngã của mình biến tướng thành một kẻ độc tài áp chế người khác mà chính mình cũng không nhận ra.

Chủ đề: “Đừng Áp Chế Người Khác” hợp trong cuộc đời các bạn! Nói khéo khéo coi chừng đụng chạm! Người Á Đông hay người phương Tây, người phương nào cũng vậy mà thôi, hầu hết cha mẹ có sẵn một con đường ước mơ để đặt để cho con cái đi vào từ những thuở còn ấu thơ đến khi trưởng thành, sắp xếp trình tự theo một kế hoạch gọi là chu đáo cho con cái đi vào tương lai, nhưng tương lai đó hầu hết là theo ý của cha của mẹ, không hợp ý thì buồn lắm. Trong kỷ nguyên mới, người ta mở rộng tôn trọng ý tưởng của con cái và dần dần mở cửa rộng hơn cho con cái có được quyền tự do khi đã đủ trí tuệ khôn ngoan tự chọn cho mình hướng đi riêng và những bậc sinh thành nhường lại nhiều bước để con cái trưởng thành có sự quyết định riêng tư và tự do. Đấy là kỷ nguyên mới, không còn áp chế, điều này thật tốt bởi khi áp chế người khác dù là con ruột của chúng ta thì chúng ta cũng tạo ra sự ức chế, mà sự ức chế đó lâu ngày sẽ bùng nổ, nó loạn thần, loạn tâm ảnh hưởng đến đời sống, đôi khi còn làm cho trí tuệ của những đứa con của chúng ta kém phần phát triển, bị kìm hãm, hay nói đúng hơn, đó là một hình thức nghệ thuật xâm hại tư tưởng. Dĩ nhiên, những tư tưởng cha mẹ sắp đặt đều là tốt, nhưng dù tốt cỡ nào thì con cái cũng thiếu đi sự lựa chọn riêng tư.

Ở đời đôi khi có những ý tưởng thật tốt biến thành nghệ thuật để cấy trồng gây giống y chang như vậy nhưng các bạn thấy nó lạ ở chỗ, nếu bạn đi mua bông hoa khi thấy một bông hoa, một cây bông, một cây hoa ở nhà bạn của mình nó đẹp thì khi đi mua nhất định không mua cây giống như vậy bởi giống như vậy thì không được, phải mua cây đẹp hơn. Lạ! Cái gì của bạn có, ta phải có hơn chứ giống như vậy không được. Tuy nhiên, tư tưởng của ta như vậy là muốn người khác y chang chứ không muốn hơn, đó là điều nghịch lý trong cuộc sống của con người.

Chúng ta không những đối xử với con cái, đối xử với vợ chồng gia trưởng, áp chế vợ phải như thế này hoặc là không biết phụ nữ gọi là gia gì, gia gia hay gia gì không biết nhưng đôi khi cũng có tư tưởng áp đặt chồng y khuôn mẫu. Không phải vợ chồng, con cái mà con người chúng ta vốn có tánh như vậy, không phân biệt xấu hay tốt, tuy nhiên ta chỉ muốn rằng ai ai cũng như ta. Lâu dần hình như tánh đó trở thành hiển nhiên để ta độc quyền tư tưởng và rồi ta độc quyền truyền bá hoặc nhân giống những điều ta muốn vào tâm cảm của người khác. Như có những câu nói khuyên thật nhẹ nhàng: “Điều này mới tốt nè, nhưng mà không nghe theo coi chừng bị trừng phạt”. Nghe có lý nhưng mà không, bởi vì nhắc nhở một điều tốt rồi lại nhắc nhở một điều coi chừng bị trừng phạt nếu không nghe thì điều đó gọi là áp chế, nghệ thuật áp chế tâm lý làm cho người nghe hoảng hốt, sợ hãi và đi theo mình. Nay trở về với chân lý của Đức Phật, ta thấy các Bậc Thầy tâm linh nơi các tôn giáo khác thường đưa ra một câu rằng: “Đây là chân lý của sự sống, ai đi theo và nghe sẽ được sống, ai không theo và nghe sẽ bị trừng phạt”. Đó là một câu áp chế, nâng tầm nghệ thuật tâm lý siêu việt tưởng chừng như là giúp người nhưng thật ra là răn đe, áp chế, nhẹ hơn là như vậy, nặng hơn một chút gọi là cưỡng chế. Cưỡng chế như trong các nền độc quyền của các quốc gia nào đó trên thế giới, khi người dân không nghe chính phủ hoặc là cơ quan có quyền chức có thể áp chế, cưỡng chế người dân một cách cưỡng bức trắng trợn để người dân oan thán, đau khổ tột cùng mà chẳng thể làm được gì bởi thấp cổ bé miệng. Đó là xã hội công quyền người ta còn áp chế đi đến sự ức chế, cưỡng đoạt.

Ai chịu nổi điều đó, không ai chịu được đâu! Trong tâm linh cũng có cách ức chế rồi áp chế, cưỡng chế khéo khéo nhưng mà nhìn cho kỹ vẫn là áp chế một tư tưởng, hệ thống chân lý nào đó được gọi là xiển dương tột cùng và bắt buộc người khác phải tuân theo, đi theo, tin theo còn không là bị trừng phạt. Ta không cần biết phải nói tôn giáo nào như thế nhưng nếu các bạn có trí tuệ và kiến thức nghiên cứu về các nền tôn giáo trên thế giới thì hầu hết các tôn giáo tâm linh to, nhỏ đều có hình thức hoằng pháp, phát triển, biệt truyền hay giáo truyền theo đường lối đó để lôi kéo và để có thêm đồ chúng. Họ thường đưa ra những sự răn đe nguy hại, phải tin tưởng nếu không bị trừng phạt. Đó là một hình thức áp chế người khác khôn khéo đến mức đặt vào đời sống của tâm linh để không còn chỗ lựa chọn nào cho ai mà bắt buộc phải tin.

Nhưng Đức Phật của chúng ta khác lắm, bởi Ngài là Bậc Đại Giác Ngộ, Ngài hiểu thấu tâm lý và tâm linh, Ngài chẳng tách biệt cả hai thứ, Ngài không cưỡng bức, áp chế chúng ta để chiếm đoạt quyền tư riêng tự do, để lấn chiếm đất nền tâm linh vốn có nhiều đời gọi là thửa ruộng phước điền, gọi là đất hương quả nhiều đời của ta để lại đó, Phật cho chúng ta tự do tiếp nối đất hương quả chân tâm vốn có nhiều đời chứ Phật không dùng những phương thức cưỡng quyền, cưỡng chế, áp bức, áp chế để chiếm đạt, để chiếm đoạt mảnh đất, thửa ruộng hương quả tâm linh, phước điền nơi Phật tánh của chúng ta. Ngài chỉ đến như một vị Thầy, thật khéo nhìn rõ tổng thể thửa ruộng phước điền chân tâm của chúng ta, miền đất hương quả được thừa kế nhiều đời của ta, Ngài nhìn rõ được tánh năng của tánh Phật nơi ta và nhận diện ra được điều gì tốt cần phải cấy trồng ở nơi đó, cần phải xây dựng, cần phải rào kín, cần phải bảo vệ, cần phải xiển dương và những điều gì làm không đúng thì nó ảnh hưởng như thế nào đến thửa ruộng hương quả, miền đất tâm nhiều đời của ta. Ngài không hề áp chế, cưỡng chế, áp đặt, độc quyền tư tưởng, Ngài tới như một người bạn thân ngồi xuống trong cuộc đời, bên thềm của ngưỡng cửa, hướng về hướng tự do, nhẹ nhàng uống trà và phân tích tỉ mỉ, cặn kẽ, phù hợp với cái nhìn, cái thấy, hiểu của từng chúng sanh. Cho nên, giáo lý của Đức Phật nhẹ nhàng vô cùng, không hề có một sự răn đe. Phật chưa bao giờ nói: “Đây là chân lý của ta, ai theo ta thì sống, không theo ta thì chết”. Phật không bao giờ nói! Phật chỉ chỉ rõ rằng đây là chân lý, nếu ai thật sự đang khổ thì đi theo phương thức như vầy và Phật không hẳn chỉ chỉ một phương thức mà thật nhiều phương thức khác nhau, phương tiện khác nhau bởi Phật thấy mỗi một chúng sanh có sự khác biệt về căn duyên, tâm tánh, phước báu và nghiệp cho nên Ngài có phương tiện thật khéo như một vị bác sĩ đại tài thấy được những triệu chứng bệnh của từng con người và cho thuốc khác biệt để cơ địa của bệnh nhân phù hợp với thuốc và thuốc phù hợp với cơ địa đó mang lại kết quả tốt hơn. Phật là vị lương y tài giỏi, không bao giờ hù dọa bệnh nhân rằng không uống chết, phải uống thuốc của tôi như các vị thầy thuốc khác. Ngài nhìn thấu, Ngài cho chúng ta có được sự tự do để tăng trưởng trí tuệ và tự quyết đoán cuộc đời mình đi về đâu. Đây là một điều tuyệt vời nơi Bậc Thầy Vô Thượng là Đức Phật không hề áp chế dù là con đường tâm linh dẫn đến những điều tốt đẹp. Ngài luôn luôn để cho chúng ta một sự lựa chọn, Ngài đã trình bày, khai thị là trình bày những điều gì tốt và xấu, và sách tấn chúng luôn luôn phải có trí tuệ nhìn thấu, nhìn rõ, hiểu để lựa chọn.

Có Bậc Thầy nào ở trên đời cao quý như Ngài đâu, hầu hết các Bậc Thầy khác thường đưa ra sự răn đe: “Theo ta thì được, không theo thì…”, đó là câu nói hầu như thật nhẹ nhưng chẳng khác gì kề dao vào cổ, đưa mũi súng vào thái dương, nghe thì được cái này, không nghe thì nổ đùng cái chết luôn. Phật không như vậy, Phật không hề áp chế. Bởi vì điều đó mà Phật nói rằng: “Này các chúng đệ tử, lời của ta nói, các con phải suy nghĩ, tư duy cho rõ, thấy nó phù hợp với các con, thấy nó lợi lạc cho các con, ứng dụng để sống còn như không có một chút gì lợi lạc và phù hợp thì bỏ đi, bỏ đi dù là lời của Phật dạy”. Có ai trên đời này có một vị Thầy sẵn sàng như vậy đâu, khó lắm. Hầu hết các thầy thường áp chế, rập khuôn, mà ngay chúng ta cũng thích áp chế, rập khuôn ấy mà, sở thích của mình như thế nào thì người khác như thế ấy. Vậy mà chúng ta chẳng muốn điều gì chúng ta có người khác lại có giống ta, điều gì người ta có thì ta lại có giống như họ, luôn luôn muốn khác biệt hơn, muốn chơi trội nhưng muốn áp chế, nó kì lắm, bởi vậy nên cứ lộn xộn.

Nay chúng ta nói đến chủ đề: “Đừng Áp Chế Người Khác” không hẳn chỉ là chân lý của Đức Phật, hiểu thấu được cách dạy của Phật mà phải nghĩ rằng Đức Phật là người đã nhìn thấu. Chính Người nhìn thấu nên không dính vào chấp, chấp pháp, chấp phương tiện. Chính Người nhìn thấu nên chẳng dính mắt vào cái tôi. Vấn đề áp chế là một chuyện nhưng các bạn phải nhớ, khi chúng ta áp chế một người nào đó chính là ta đặt để cái tôi của mình ngay ở trung tâm vũ trụ này và biến cái tôi của mình thành tối hậu quan trọng, trung tâm điểm của đời sống muôn người phải theo. Đó là ngã quá lớn rồi, lớn như hạt cát mà đòi che lấp cả mặt trời. Thật là kỳ cục!

Trong tinh thần của câu mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có ý nghĩa rằng chúng ta hãy thực tập quán chiếu nhìn cho rõ để hiểu thấu được tinh thần Vô Ngã. Còn có ngã là còn có khổ, còn có ngã là còn có chấp, còn có ngã là còn có đấu tranh, còn có tranh giành, còn có ngã là còn có tham – sân – si, còn có ngã là còn có muốn ta lên, hạ người ta xuống, còn có ngã là còn có chiến tranh, chém giết, tranh đoạt, quyền lợi, danh vọng, địa vị, tình ái, tiền bạc. Cái ngã rất nguy hiểm, cho nên khi áp chế đã đơn thuần là nhìn không rõ, nhìn không tỏ nhưng thật ra, áp chế là đang tự tôn đưa bản ngã quá cao. Chúng ta đi sâu vào những cách tôn vinh bản ngã qua hai từ “áp chế”, chúng ta sẽ hiểu thấy rõ ràng Bảo Thành và các bạn cách này hay cách kia đã từng đặt cái tôi của mình quá lớn để áp chế dần dần tư tưởng rập khuôn của ta vào trong đầu óc của người khác. “Nói cho đúng hơn” là văn hoa thôi, nói cho trắng trợn hơn thì ta chỉ là những người hacker muốn xâm nhập vào tư tưởng của người khác và mang luồng tư tưởng của mình xâm nhập thật sâu, cài đặt vô. Nói thêm chút nữa là ta đã chiếm đoạt quyền tự do để xâm hại vào tư tưởng người khác bằng cách tôn vinh bản ngã riêng tư của mình, cho nên lúc nào cũng đề cao một cách khôn khéo để người khác không nhận ra nhưng đó là cách áp chế người khác trong tư tưởng, nhưng thật ra, nói rõ là cái tôi quá lớn, ngã quá to. Và như vậy, ta sẽ không bao giờ có thể chuyển hóa được chấp của mình và khi sự chấp đó càng lớn bởi cái tôi được tôn trọng quá cao do chính mình thì nhất định chính chúng ta mới là người đau khổ nhất. Phật nói: “Những điều không như ý tạo ra khổ” và những điều như ý tức là như tôi, chính những không như ý đó tạo ra khổ, những điều bất như ý là khổ, tạo khổ, mà hiểu cho thấu hơn những điều bất như ý tạo khổ có nghĩa là cái tôi quá lớn. Quán chiếu Vô Ngã, hiểu thấu được thì nhất định dù bất như ý chuyện gì cũng vậy, ta cũng sẵn lòng hoan hỷ bởi bất như ý của ta nhưng như ý của người, ta và người chẳng còn có sự chướng ngại ngăn cản, thềm chân tâm rộng lớn mênh mông, ta và người có thể thả bộ kinh hành trên đó đi tới tận bờ cõi suy nghĩ, tư tưởng, nơi xuất phát của những cảm xúc riêng tư để hòa trộn trong hương thơm của đức hạnh, sống bình an. Nhưng cuộc đời của chúng ta, mảnh đất chân tâm thì teo lại trong sự chấp, co lại trong cái tôi mà còn đổ xi măng cốt sắt, thành lũy của những điều hạn hẹp ta suy nghĩ cho thật cao rồi mang người nhốt vào trong đó làm họ cảm thấy tù túng, chật chội vô cùng trong những tư tưởng, kiến thức nhỏ bé, li ti, hạn hẹp, vậy mà cứ cười sung sướng ngã lăn ra thềm đất, ngửa mặt lên trời vỗ bụng tự khen hay. Điều quái gở như vậy Bảo Thành và các bạn vẫn cứ vướng vào mà không bao giờ nhận ra.

Các bạn đừng bao giờ áp chế người khác! Đây là một điều mà nếu liễu thông được thì ta mở cửa toang ra, không phải là: “Vỡ toang rồi ông giáo ơi!”. Không! Mà là mở toang ra không để cho thành lũy sự chấp trược, bám víu của cái tôi nó có cơ hội bám rễ mọc chằng chịt nữa mà ta mở toang sự chấp ngã, ta phá tan cái tôi vốn đã được thành lập từ muôn đời do sự ích kỷ của riêng mình để thềm chân tâm của chúng ta trở thành một bình nguyên bằng phẳng, xanh, đẹp của những thảm cỏ chân tâm mướt đến tận gốc chân trời cho muôn người có thể ngả lưng nằm nghĩ, ngắm tinh tú mà hiểu được sự kỳ diệu mầu nhiệm của từng niệm thiện nơi con người khởi lên đầy sự tịch tĩnh không có vướng mắc, chấp thủ, không có áp chế, cưỡng đoạt. Khó! Khó là bởi vì chúng ta không thực hành, còn dễ, dễ vì ai đó nếu như có tâm và chí nguyện muốn giải thoát cho chính mình và giải thoát cho muôn người khỏi sự cưỡng đoạt, cường quyền, áp chế tư tưởng, tâm linh, vật chất, tình cảm, cảm xúc. Đức Phật dạy cho chúng ta biết bao nhiêu phương tiện đều dựa trên nền tảng của sự tự do, tự do cao quý vô cùng. Trong sự tự do đó không phải muốn làm gì thì làm nhưng sự tự do đó có sự khai thị của trí tuệ, có sự thắp sáng của trí tuệ, có sự sưởi ấm của tình thương và từ bi cho nên không phải sự tự do này là lung tung, tự tung tự tác mà là sự tự do vận hành trong trí tuệ được khai thị bởi Bậc Giác Ngộ. Đây là sự tự do của những cảm xúc được sưởi ấm bằng năng lượng tình thương và từ bi của Đấng Minh Tuệ, nó khác với sự tự do của những bất thiện nghiệp của những sự dẫn dắt nhiều đời do những năng lượng tiêu cực, tập khí xấu của ta. Khi chúng ta bị tập khí xấu dẫn đi là thiếu đi sự tự do, chúng ta đang bị xỏ mũi như con trâu cày trên ruộng đến khi chết, và khi chúng ta được soi sáng bởi trí tuệ, sưởi ấm bằng từ bi và tình thương để chúng ta tỉnh thức nhìn rõ và nhận diện, thấu, hiểu để buông, để tự mình quyết định một con đường lựa chọn đi về, đi về đâu? Đi về ánh sáng chân lý giải thoát cho ta khỏi đau khổ thì đó chính là những điều Đức Phật dạy. Phật không bao giờ áp chế nên giáo lý của Phật không có chiều hướng áp chế mà chỉ nằm trên phương vị định hướng cuộc đời để giải thoát, cho nên Ngài dùng chữ khai thị, quán chiếu nhân duyên khác biệt của từng chúng sanh, khai thị cho từng chúng sanh hiểu thấu.

Các bạn thân mến! Áp dụng lời dạy của Phật vào để thấy rằng những sự khó khăn trong trong gia đình, những sự được gọi là không kê được cho nó bằng phẳng, lệch chỗ này, chênh chỗ kia để đời sống chênh vênh, bấp bênh trong những cảm xúc chia sẻ để chẳng có thông cảm trong gia đình giữa vợ chồng, con cái hoặc giữa bạn bè, sự giao hảo của người thân chính là bởi vì ta vẫn còn cái tôi quá lớn, vẫn cứ áp chế suy nghĩ, cách làm việc, cách nói, cách sống, cách ở của ta rập khuôn như thế vào tâm của người khác, vào đời sống của người khác. Nói nghe hơi kỳ nhưng thật ra Bảo Thành và các bạn, chúng ta đang xâm hại đời sống tâm linh và tinh thần của người khác bằng cách cưỡng chế và áp chế cái riêng của mình và buộc người khác phải theo, từ đó mà muôn sự rối rắm và rắc rối của đời tạo khổ chính ta hàng ngày mà không nhận ra. Cho nên thấy cái đầu cứ quay mòng mòng như cái bông vụ, đến khi lực quay hết thì té rụp xuống một cái, chóng mặt, say sầm mặt mũi.

“Than ôi! Trời cao không cứu

bởi sao tôi chấp cái tôi của mình.”

Cái tôi của mình mà ai cứu được, ông trời, ông Phật có hiện ra cũng không cứu được bởi vì cái tôi quá lớn. Cho nên, ở trên đời, hiểu thấu được rồi thì ta tự gỡ cho mình, ta tự quẳng gánh lo lắng, lo lắng áp chế tư tưởng vận hành người khác để cho nhẹ, buông, thong thả, để cho cuộc đời của chúng ta một lần nữa trở về tự chủ được thửa ruộng hương quả nhiều đời ta thừa hưởng từ tánh thiện của chính chúng ta, thừa hưởng thửa ruộng hương quả nhiều đời mà Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà đã gieo trồng vào đó những phước thiện nhiều đời đó chính là thửa ruộng hương quả chân tâm, Bồ Đề tánh. Hưởng được điều đó để chúng ta cùng làm sao đó tự chăm sóc, nhìn sự khai thị của Phật, đón ánh mặt trời của trí tuệ, sưởi ấm bằng nước Cam Lồ yêu thương để thửa ruộng chân tâm, đất hương quả phước thiện, Bồ Đề, Phật Tánh của ta lại một lần nữa được trổ hoa dâng hiến cho muôn người.

Đừng áp chế ai!

Nếu các bạn thấy giữa tình nghĩa vợ chồng, con cái và muôn người đang gặp rắc rối với nhau, tình bạn cũng thế, các bạn nhìn kỹ lại thì hình như Bảo Thành và các bạn thật sự đang chấp. Càng khổ càng rối, càng phiền não nhiều chính là ta đang tự áp chế người khác theo ta hoặc là tự áp chế bản thân của mình theo những điều hạn hẹp, nhỏ bé ta tưởng chừng như được tôn vinh cao cả bởi cái tôi và rồi ta tự nhốt mình vào trong ngục tù của sự độc tôn, bản ngã riêng mình gây khổ cho chúng ta. Hãy tự tháo gỡ, đó gọi là quẳng lo âu đi bằng sự hiểu biết thắp sáng trong tuệ giác, đó gọi là rửa, gội rửa toàn diện và sạch sẽ những phiền lụy bằng nước tình thương của Chư Phật.

Nhớ đừng áp chế ai! Phật tới là dẫn đường và chúng ta là người có quyền tự do dùng chính trí tuệ quán chiếu và tư duy thấu, hiểu để buông mà theo chứ không bao giờ áp chế ta. Nếu Phật tới không áp chế chúng ta và ta nói ta là người con Phật, ta là Phật tử, ta là người học Phật thì sao chúng ta cứ tìm đủ mọi mánh khóe để áp chế người khác theo những điều ta mong muốn để từ đó muôn sự nặng trĩu, phiền muộn đè nặng trong tâm? Các bạn có thấy bạn phiền muộn vì ai đó không nghe bạn không? Có thể là chồng không nghe, có thể là vợ không nghe, có thể là con cái không nghe, có thể là bạn bè không nghe ta, đúng như lời Phật dạy: “Những điều bất như ý là khổ”, mà hiểu cho thấu “những điều bất như ý là khổ” có nghĩa là ta chỉ muốn áp chế người khác, “những điều bất như ý là khổ” thấu thêm nghĩa thú cao hơn nữa chính là ta đề cao cái tôi và để cái tôi của mình, bản ngã của mình nó chình ình lên rồi nó đè nặng trong tim, anh ách trong lòng đau quá. Sao phải sống như vậy? Cho nên mỗi khi các bạn thốt ra từ miệng rằng: “Không chịu nghe”, không biết bạn nói với ai, có thể nói với con nó không chịu nghe, có thể nói với chồng là ảnh không chịu nghe, có thể nói với vợ là em nó không chịu nghe, hoặc là cha mẹ không nghe con, nói chung mọi người không nghe thì chính cái đó gọi là áp chế đó các bạn. Nghe kỹ lại mặc dù vẫn biết những điều ta nói là đúng, là chân lý nhưng dù là chân lý mà đến mức tạo ra phiền muộn cho mình và làm cho người khác cũng nhức đầu thì nó đã tăng cấp sự áp chế thành cưỡng chế.

Các bạn có khi nào thấy trong nước Việt Nam mình có những vùng miền xa xa, xa xa chốn thị tứ, nhiều nơi bị người khác cưỡng chế nhà cửa, đất đai, mới đầu áp chế đưa ra luật, sau đó bắt đầu khống chế, mang xe, mang sức mạnh, mang súng ống cưỡng chế đất đai Cửu Huyền Thất Tổ, đất hương quả của người ta, thì bây giờ mình áp chế tư tưởng của mình chẳng khác gì mình cưỡng chế đất hương quả, kiến thức tâm linh, tư duy, suy nghĩ của người khác. Không khác gì đâu! Biết bao nhiêu tiếng than khổ vọng lên cả mười phương trời, làm rung động lòng người bởi sự cưỡng chế và áp chế cường quyền của những người có sức mạnh chiếm đoạt đất đai của người khác, các bạn đã chứng kiến thì nay sao chúng ta lại làm cho mình khổ để đưa bàn tay quyền lực cưỡng chế và áp chế, chiếm đoạt thửa đất hương quả nhiều đời của mỗi một con người khác, đó chính là thửa đất tâm linh. Chuyện tâm linh, chuyện đạo đức không cưỡng chế, không áp chế, chỉ có khai thị, ai có duyên, đủ kiến thức thì trí tuệ được chiếu vào bởi Đức Phật, tình thương được ban rải xuống, người đó sẽ trỗi dậy như mầm đã được ấp ủ, ươm vào đó nhiều đời, còn chưa đủ nhân duyên không sao, Phật vẫn kiên nhẫn song hành với chúng ta tới khi đúng mùa thì gieo, đúng thời thì gặt. Chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ có mùa gặt đầy đủ khi lúa đã chín vàng, chắc chắn chúng ta sẽ đến thời để thu hoạch bởi khi mùa đã tới, lúa trổ đòng đòng, hương thơm ngây ngất và khi thời đã tới, đòng đòng trổ bông rồi thành lúa, lúa sẽ vàng để gặt hái mang vào kho để thành tư lương trên con đường hành đạo.

Các bạn nếu còn nặng trĩu ở trong lòng bởi ai đó không nghe chúng ta, tư tưởng đó cần phải đặt qua một bên, chỉ cần mang trí tuệ chiếu soi vào tâm thức của người đó thì mọi chuyện sẽ hanh thông. Nếu trong trái tim của bạn còn nặng trĩu bởi ai đó không nghe bạn thì bạn chỉ cần mang nước tình thương Mu A Mu Sa để rải vào tâm của họ, dù cứng như đá cũng sẽ mềm thành đất, dù to như núi cũng bị xói mòn thành bình nguyên, cỏ xanh thật đẹp. Đừng áp chế ai sẽ mang lại sự thái bình cho muôn người, từ vợ lẫn chồng, từ con đến cha mẹ, từ mọi người trong xã hội để mỗi người hiểu được điều đó không còn áp chế mà chỉ có chia sẻ bằng trí tuệ và tình thương. Nơi đâu đúng mùa, đúng thời thì gặt hái được, chẳng cần phải gắng sức để tạo khổ cho chính ta bởi mỗi một con người dù là cha mẹ, vợ chồng, con cái hay người thân, hay người quen đều có nhân duyên khác biệt, hiểu đúng được nhân duyên của họ do sự tu tập trong Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu nhân duyên sẽ làm cho ta hài lòng, chấp nhận và đón nhận chính ta trở lại và chấp nhận, đón nhận muôn người khác biệt tới với chúng ta trong các địa vị và có mối quan hệ khác nhau, tuy nhiên trong lòng không bao giờ khác bởi ta luôn luôn tôn trọng chính ta và tôn trọng sự tự do của muôn người.

Nguyện ánh Minh Quang của Bậc Giác Ngộ trong ngày đại lễ Phật Đản luôn luôn chiếu tỏ mọi nơi để chúng ta không còn lầm lạc trong cái tôi quá lớn của mình để áp chế, cưỡng chế người khác theo những tư tưởng riêng tư của ta. Nguyện tình thương của Phật lan tỏa để những miền đất chân tâm khô cằn nghiệp chướng, cứng như đá, to như núi của chúng ta được xói mòn, được thấm gội để mềm ra và nguyện cho miền đất hương quả, chân tâm, Bồ Đề của mỗi người được một lần nữa do sự chăm sóc, hiểu thấu của ta để từ thửa đất hương quả, miền chân tâm của mỗi người sẽ là mảnh vườn tuy nhỏ nhưng dư giả tư lương cung cấp cho muôn người trên con đường lữ thứ của cuộc đời nếu gặp những trăn trở, những vấp ngã, những chướng ngại.

Đừng áp chế người khác! Chỉ có trí tuệ và tình thương mới nhìn thấu để không còn áp chế lẫn nhau và tôn trọng sự tự do của mỗi người, như Đức Phật chỉ mang trí tuệ và từ bi trao tặng và khai thị, hãy học theo Đức Phật mang trí tuệ và từ bi trao cho muôn người và nhất định chúng ta sẽ luôn hạnh phúc.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau. Mời các bạn!

“Thưa Phật! Chúng con khổ và trong tâm nặng trĩu biết bao nhiêu nỗi niềm u phiền bởi vì có thể cha mẹ hoặc vợ chồng, con cái, những người chúng con quen biết chẳng nghe lời chúng con, hoặc chúng con gặp biết bao nhiêu sự bất như ý tạo nên khổ, nay hiểu thấu tất cả cũng chỉ vì cái tôi quá lớn của chính bản thân nên luôn muốn áp chế, cưỡng chế người khác phải theo ý mình. Mật chú số 02 hướng dẫn cho chúng con quán chiếu thấy rõ tinh thần Vô Ngã để không tạo khổ nữa, nay nhận được thông điệp cao quý này, nguyện một lòng tu hành để từ đây sám hối và không bao giờ áp chế người khác, chỉ noi theo gương đức hạnh của Đức Phật mang Từ Bi và Trí Tuệ gửi tới muôn người với sự hoan hỷ tột cùng. Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con.”

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mời các bạn hồi hướng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con thành tâm hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới tất cả các nước Á Đông và đặc biệt Việt Nam của chúng con đang bị đại dịch, có đầy đủ phước báu đón nhận được sự hỗ trợ vắc xin, tài trợ về tịnh tài từ các nước lớn trên thế giới, để dân tộc của chúng con và những người Á Đông vượt qua sự chướng ngại, khó khăn trong đại dịch này.

Chúng con luôn thành tâm hướng về quê hương, nguyện xin tất cả hãy theo sự hướng dẫn của chính quyền sở tại cũng như của sở y tế giữ khoảng cách, giãn cách, buông bỏ sự rộn ràng tới lui khắp nơi để giữ sự bình an, an toàn cho mọi người. Hãy cùng nhau cẩn thận để chúng ta bảo vệ sự sống cho nhau.

Nguyện xin mười phương Chư Phật luôn gia hộ, luôn gia trì.

Nguyện xin Mẹ Quán Thế Âm nghe tới sự oan thán của dân Việt, mang Cam Lồ gội rửa để đại dịch tiêu tan, lòng người bình an.

Chúng con xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts