Search

Bài 2049: Đừng Thêm Bớt | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lượng bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi.

Mời các bạn đồng tu chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ quán chiếu thấu rõ vạn Pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ và Vô Ngã, Niết Bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Từ Bi là năng lượng siêu thế thể nhập vào trong hơi thở Chánh Niệm để đi sâu vào thềm tâm thức Phật Tánh, mỗi người chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương của Phật. Chánh Niệm hơi thở còn đưa chúng ta về tận cội nguồn của ánh sáng Minh Giác, chúng ta hãy trở về với hơi thở tự nhiên của Chánh Niệm, giữa đất trời hòa mình với thiên nhiên tự tại, tâm chân thật, một lòng thành kính thắp sáng đuốc Tuệ, đón nhận năng lượng Từ Bi, chúng ta nghĩ tới tất cả những người yêu thương của chúng ta, những người còn cũng như người đã mất, rải tâm Từ của Phật tới muôn loài.

Trong giây phút này, chúng ta cũng tưởng nhớ tới Giác linh Ni sư Thích Bảo Hoa, người vừa thuận theo vô thường, ngồi thuyền Bát Nhã xuôi về thềm Tây, nguyện xin Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật phóng quang tiếp dẫn Giác linh Ni sư Thích Bảo Hoa.

Chúng ta nhớ tới tất cả những ai còn hiện diện trong cuộc đời, phước báu vẫn đủ đầy để ta và người còn đồng hành trên cõi trần, hãy rải tâm yêu thương tới, và giờ đây, nương vào bóng Từ Ân của Chư Phật thắp sáng Từ tâm, đứng dậy vượt qua, trở về với sự an nhiên tự tại.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, biết bao nhiêu chuyện đã tới rồi cũng dần ra đi, biết bao nhiêu con người đã tới rồi cũng âm thầm ra đi, chẳng thêm mà cũng chẳng bớt y như sự hiện diện trong cõi đời đẹp đến vô cùng không thể tả. Không cần thêm một cái gì, một chút gì nữa để tô điểm cho cái đẹp vốn có trong tâm, chẳng cần phải bớt đi một chút gì để có thể thấy được thể tánh chân như. Không thêm chẳng bớt, bất tăng bất giảm và không có cấu – tịnh, sanh – diệt, đó chính là Phật Tánh đẹp biết là bao. Đừng thêm bớt!

Chúng ta là con người, Phật đã dạy trong Tâm Kinh: “bất tăng bất giảm”, vậy mà trong cuộc trần này khi nói về những điều Đức Phật dạy, chúng ta đã vẽ thêm cho đủ màu, đủ sắc lẫn lộn vào trong sắc tướng của trần gian để cuối cùng nhìn lại mỗi người chúng ta không nhận rõ được, không còn nhận rõ được nữa, hoặc là chúng ta đã bớt quá nhiều để gọi là cho trọn vẹn tư tưởng đã có nhưng cuối cùng ta chẳng thể nhận ra “bất tăng bất giảm” không cần thêm cũng chẳng cần bớt, cứ y như đó, y như thế, y như là là tuyệt vời lắm rồi. Trong cái không cần thêm chẳng cần bớt, nó vốn có trong lòng của tất cả những người mẹ. Mẹ chân thật trong tiếng hò ru chúng ta ngủ, mẹ chẳng bớt chẳng thêm, vẫn chân thật trong nụ cười nhẹ lắm nhưng tươi vô ngần. Mẹ không bớt cũng chẳng thêm, mẹ chính là mẹ, tràn đầy tình thương. Chẳng phải nói chữ đừng thêm bớt là nói đến chữ “thị phi, đâm thọc” ở đời, đó cũng là một khía cạnh mà cần nói tới để hiểu thấu, nhưng hôm nay, ngày quá đặc biệt, chủ đề: “Đừng Thêm Bớt”, Bảo Thành không đi vào con đường nói tới sự thị phi, thêm bớt, thêm đường, thêm muối cho nó ly kỳ chuyện của thế gian mà mỗi người tạo nghiệp. Ai trong chúng ta cũng biết được điều đó rồi. Nhưng bởi vì ngày hôm nay quá đặc biệt nên chủ đề: “Đừng Thêm Bớt”, Bảo Thành nói về một chất tinh hoa, vi diệu nơi trái tim của một con người, và chỉ trong trái tim của con người chân thật có một tình yêu cao cả, chẳng thêm chẳng bớt, giàu vì yêu thương, thơm lừng hương đức hạnh mà muôn đời nơi cõi trần này, nếu Bảo Thành còn sống sẽ không bao giờ quên ơn.

Thật nhiều lúc trong cuộc đời, chẳng cần phải nói thêm nhưng ở trong trái tim thật là nhẹ, vẫn đập, vẫn luân lưu dòng máu có hương niệm tình thương. Dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn là con người, cảm xúc của con người chân thật lắm, chẳng thể giấu được đâu, vẫn biết ở cuộc đời, chúng ta khoác lên bao nhiêu hình tướng, màu sắc nhưng cảm xúc của con người rất chân thật, nó không thêm không bớt, vẫn biết cuộc đời mỗi người chúng ta luôn luôn phải thuận theo Vô Thường sanh – diệt trong cõi tới lui của cuộc trần, nhưng mấy ai trong chúng ta khi chia tay một người đã tới trong cuộc đời, một người có ân, nặng nghĩa, có tình và đức hạnh thì dĩ nhiên trong chúng ta muốn trào dâng những nỗi niềm cảm xúc vô tận. Hãy để cho Bảo Thành là một con người rất bình thường như các bạn, hãy để cho Bảo Thành trở về là con người có biết bao nhiêu cảm xúc như các bạn, dù vẫn biết là một người đã đi vào cõi xuất gia nhưng vẫn còn những cảm xúc rất chân thật của đời người, chẳng thêm đâu chẳng bớt đâu.

Hôm qua, tính theo lịch của người Việt gọi là âm lịch, ngày hôm qua đó chính thức là ngày rằm tháng tư, ngày rằm tháng tư – ngày mà chúng ta kỷ niệm đại lễ Phật Đản, ngày cũng kỷ niệm Đấng Giác Ngộ đã bừng tỉnh, thoát khỏi vô minh, ngày mà chúng ta cũng kỷ niệm Đức Phật nhập vào cõi Niết Bàn, ngày Vesak kỷ niệm cả 03 ngày trọng đại nhất của Đức Thế Tôn. Ngày hôm qua, ngày trăng rằm tỏ sáng trên cõi trần, làn gió nhẹ từ phương Tây thổi tới, nương bóng Từ Bi, Sư Bà Tăng thân Chùa Xá Lợi Thích Bảo Hoa đã theo ánh nắng chiều tà của hoàng hôn, rời bỏ hồng trần về cảnh Tây phương. Cũng tại nơi đây, chánh điện Tổ Đình Chùa Xá Lợi, 14 năm trước chỉ là một chuồng bò hoang sơ, lạnh lắm, vào mùa đông không có máy sưởi, trơ trọi chỗ này đây, Bảo Thành đang ngồi chỉ là một chuồng bò để rơm, một người phụ nữ thật nhỏ, vóc dáng chân thật, nụ cười hiền như một bài thơ viết về mẹ, bước chân thật nhẹ không để dấu nhưng trái tim lớn vô cùng. Bảo Thành còn nhớ, ngày đó người tới trên hai bàn tay quá bận rộn, nào là nồi xoong, chén dĩa, nước. Ngày đầu tiên còn rõ mồn một, người đã ngồi xuống một cách thành kính trong ngôi chuồng bò này vào một mùa đông băng giá, lạnh lùng nhưng hương hồi của nồi phở chay thơm lừng tình thương đã tỏa khói nơi đây, thật ấm vô cùng. Nồi phở chay với hương hồi chẳng thêm chẳng bớt với tình người thật ấm vô cùng. Tô phở đầu tiên của ngày đó trong 14 năm trước tuyệt vời biết bao, và kể từ 14 năm trước cho tới ngày hôm nay, vỏn vẹn 14 năm dù trải qua biết bao nhiêu ngày tháng, có những lúc trời tuyết phủ ngập tới đầu người ngoài kia, người vẫn tới, đạp ở trên tuyết gió sương, mang từng chén cơm từng ly nước, một lòng hoan hỷ vô cùng, cúng cơm, nuôi Bảo Thành trong từng tháng ngày của những năm tháng vất vả trong cuộc đời xuất gia tại chuồng bò này. Hương vị của một người mẹ Việt Nam với vóc dáng kiêu sa, ẩn dật trong thân tướng thật khiêm tốn, Bảo Thành coi như là mẹ bởi người đó vóc dáng cũng thật nhỏ, cũng thật bé, cũng thật hiền, bằng tuổi mẹ của Bảo Thành. Trong hoàn cảnh đơn sơ, chẳng một tuần nào mẹ quên được Bảo Thành. Suốt 14 năm, mỗi một ngày, từ ở chỗ xa lắm, mẹ tới chuồng bò nơi đây, nghiên cứu đủ mọi thứ để tạo ra những món ăn chay đơn thuần, tinh khiết, trước là cúng Phật, sau là nuôi Bảo Thành sống. Trong tình nghĩa, mẹ không thêm mùi vị của trần gian, chẳng bớt đi hương vị của đạo hạnh, thơm lắm, để mỗi một tuần trôi qua là một lần mẹ lại tới, mùa đông băng giá hay mùa hè nóng, bốn mùa có thể thay đổi liên tục nhưng tình yêu của mẹ không bao giờ nhạt phai.

Vào những mùa hè nóng, người ta đứng ở ngoài có thể xỉu, vậy mà mẹ vẫn tới, vẫn chân chất tình thương, không thêm cũng chẳng bớt, y như một thiên thần nhẹ nhàng bay tới với hương khói tình người, một chai nước tràn đầy tình yêu thương, vậy là đã đủ. Bảo Thành được sống bởi sự cúng dường đặc biệt ròng rã trong 14 năm trời, Bảo Thành được nuôi và người đã là mẹ của Bảo Thành. Từng nơi, mọi góc, mọi góc cây, mọi cành hoa ở nơi khuôn viên Tổ Đình vẫn còn hình hài của mẹ. Hương vị của những món ăn đậm đà chất của quê hương miền Nam Việt Nam, chẳng bao giờ hương vị đó giảm và cũng chẳng thêm một chút xíu gì nữa bởi nó trọn vẹn, nguyên trinh như tấm lòng người con Phật, như tình người, như tình mẹ. Bao nhiêu năm được cưu mang và nuôi dưỡng, từng bữa ăn đã tới Chùa, từng lời dịu ngọt khiêm cung, từng hành động rất đơn sơ nhưng thuần mỹ, chất thiện. Không một tuần nào mẹ không tới dù cho thế sự có đổi thay, dù cho lòng người có thay đổi, dù cho năm tháng có xoay vần, dù cho muôn sự xuôi ngược ngược xuôi, mẹ vẫn tới. Mẹ đã chứng kiến được biết bao nhiêu sự thay đổi, đổi thay nơi Tổ Đình Chùa Xá Lợi và mẹ cũng đã nhìn thấy Bảo Thành lớn lên trong sự trưởng thành của muôn trùng thử thách. Kể làm sao hết tình nghĩa cao trọng ấy!

Thế rồi vào năm ngoái, mùa Vu Lan, 84 tuổi đầu, lưng đã còng, xương đã yếu, bước chân chẳng còn vững bởi mẹ đã vượt qua cả một thời chiến tranh đau khổ để nuôi 8 đứa con, và mẹ đã nuôi thêm một đứa con nữa là Bảo Thành 14 năm trời ròng rã nắng mưa, sức hình như đã cạn mà nụ cười vẫn tươi, rồi mẹ nói mẹ muốn thọ giới Sa di, buông bỏ vạn duyên, quay về với Phật. Ngày Vu Lan đó, mẹ đã đắp y, thọ giới Sa di, vừa đắp y xong mẹ nói nhỏ bên tai của Bảo Thành: “Chỉ trong năm tới sẽ là ra đi”. Ngỡ ngàng vô cùng nhưng Bảo Thành vẫn âm thầm bởi biết cuộc đời vô thường là thế.

Mới chủ nhật cách đây 4 ngày, Chùa Xá Lợi tổ chức Lễ Phật Đản trong một hoàn cảnh thật đơn thuần, nhỏ bé sau một năm trời đại dịch, Sư Bà Bảo Hoa cũng đã tới, không thể ngồi trên tọa cụ như những năm xưa, phải ngồi trên ghế, bước đi phải được dìu và từng giọt nước tắm lên tôn tượng của Phật như Cam Lồ rải xuống trần gian, tươi mát cả cõi lòng của những người con Phật, vẫn tươi, vẫn nhẹ, vẫn đẹp, vẫn cao quý, thật tuyệt vời. Nhưng rồi ngày thứ hai, thứ ba vẫn vui với con, với cháu thì ngày hôm qua, chọn đúng ngày rằm, trăng rằm tháng tư, đúng ngay giờ ngọ, Sư Bà Thích Bảo Hoa rũ bỏ hồng trần, nhẹ bước ra đi, môi miệng vẫn cười, mắt vẫn long lanh, toàn thân ấm áp. Đối với cảm xúc của Bảo Thành ngỡ ngàng vô cùng bởi thật sự ngày hôm nay ngồi đây nói về chủ đề “Đừng Thêm Bớt”, đừng thêm đừng bớt, ta nói ngay đến lòng yêu thương của mẹ, ta không cần thêm để nói về tình yêu ấy, dù ta có bớt vẫn trọn vẹn tình nghĩa cao và rộng. Thế gian vẫn biết là vô thường nhưng tình người vẫn luôn luôn tồn đọng mãi, in dấu mãi những dòng chữ của tình yêu nơi con người với con người đối xử bằng tâm cao thượng, vẫn còn rất ấm nơi trái tim của những con người trọng ân, trọng nghĩa. Ân đức được mẹ nuôi, ân đức cao dày đó sao có thể quên? Vẫn biết thuận lẽ vô thường ta phải đi thôi, nhưng là con người, cảm xúc sao có thể dừng lại chỗ đó? Có cần phải nói thêm hay bớt một điều gì cho trọn nghĩa ân tình hay không? Không, bởi trong Kinh Bát Nhã Phật đã dạy: “bất tăng bất giảm”.

Sư Bà Bảo Hoa tới Chùa trong 14 năm, chẳng thêm chẳng bớt, y như con người chân thật của tâm tánh hiền hòa của một người mẹ nhỏ nhưng xinh, nhỏ xinh xắn vô cùng. Cảm xúc vô tận khi Sư Bà đã ra đi. Mà con người của chúng ta ngồi nghĩ lại mới thấy rằng ở đời, trong ân nghĩa tình người đối xử với nhau, ta chẳng cần thêm cũng chẳng cần bớt, cứ chân thật như bản chất thật của mình, thật thiện, thật thật, hãy chân thật như thế và hãy tới với nhau bằng tình người, như vậy đã đủ, đã cao quý. Đức Phật khai thị cho chúng ta không cần thêm chẳng cần bớt, bất tăng bất giảm, hãy trở về với cội nguồn chân như của Phật Tánh nơi thanh tịnh, trong suốt tuyệt đối, nơi có đầy đủ năng lực siêu thế để dìu dắt mỗi người chúng ta vượt qua ngàn trùng đau khổ của chướng ngại, để thị hiện trong cuộc đời đúng với chất không thêm không bớt đâu các bạn. Cứ y theo lời Thế tôn dạy, chẳng cần thêm chẳng cần bớt, chẳng cần thêm vào những sắc tướng của trần gian, khoác vào những màu mè của thế tục, những âm thanh rộn ràng của cuộc trần ngược xuôi huyễn giả, hãy sống thật chất, chất với Tánh Phật của chúng ta. Sáng lắm, đẹp lắm! Ngỡ ngàng thì thật nhiều, bàng hoàng cũng thật nhiều, kinh hoàng cũng dễ sợ nhưng trong lòng hân hoan bởi Sư Bà chọn đúng ngày rằm để ra đi, ngày rằm tháng tư, ngày trăng tỏ trăng sáng, ngày mà Đức Đại Ngộ đã bừng tỉnh, ngày mà Ngài đã quang giáng trần gian, ngày mà Ngài đã thị nhập Ta Bà rồi đi vào cảnh giới Niết Bàn viên thông. Sư Bà đã đi thật là nhẹ. Được kề cận với Sư Bà qua âm thanh trong những giây phút thật cuối cùng khi hơi thở chỉ có thể ra, ánh mắt của Sư Bà long lanh vô tận như sao trên trời. Kề cận trong giây phút cuối, niệm một thời Kinh hồng danh của Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư mà trong lòng thơi thới, nhẹ nhàng bởi Sư Bà đã thật sự ra đi như điềm báo Sư Bà mong muốn. 85 năm trời trụ thế trong cõi trần là 85 năm trời mang tình thương, hương tình thương ấy lan tỏa rộng khắp cõi trời. 14 năm trời lui tới tại Tổ Đình này, từ thuở rất sơ rất thơ, Sư Bà đã tô điểm cho cảnh Thiền môn thêm linh diệu bởi đức hạnh, rất âm thầm, rất thầm lặng, chẳng mang thêm điều gì của trần gian vào để rải trong sân Chùa, chẳng bớt đi sự thanh tịnh của Chùa, chẳng thêm và cũng chẳng bớt. Bao nhiêu thị phi ở cuộc đời chẳng mang vào trong Chùa, bao nhiêu cao đẹp của cõi lòng Sư Bà thị hiện đơn sơ, cứ mỗi tuần mỗi tới, mỗi bữa ăn là một nụ cười, một hương thơm khác biệt. Tình nghĩa cao rộng như biển trời, để cho khi Sư Bà ra đi, lòng người trong cuộc đời như Bảo Thành thấy hạnh phúc bởi đã có phước báu gặp được một người mẹ, gặp được một con người chân thật lắm, và ngay trong phút cuối của cuộc đời, Bảo Thành cũng có cơ hội cùng với toàn bộ gia đình, chủng tử dâng lời Kinh cuối thỉnh nguyện mười phương Chư Phật để tất cả cùng quay về với cội nguồn chân như tự tại, từ bỏ thân Tứ Đại mà đi về nơi cõi Phật.

Các bạn thân mến! Cuộc đời của chúng ta đừng thêm bớt gì nữa, hãy chân thật với nhau. Bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn đã thêm bớt quá nhiều, theo những cách diễn đạt như một diễn viên hề trong cuộc đời để tạo ra những tiếng cười đau đớn cho nhau. Hãy chân thật là điều cao trọng, trân quý mà Đức Phật truyền dạy cho mỗi người chúng ta. Tâm chân thật đó đẹp lắm mà Bảo Thành đã được trải nghiệm thật sự trong 14 năm qua từ Sư Bà Bảo Hoa chân thật, chỉ chân thật. Ngôn ngữ chân thật, hành động chân thật, mọi việc làm thật chân thật. Biết bao nhiêu những cái đẹp của Sư Bà mà Bảo Thành đã học được từ sự kiên nhẫn không bỏ cuộc trong 14 năm trời trong 04 mùa khắc nghiệt, từ xa tới cúng cơm, không bao giờ bỏ một ngày, đó cũng là đạo nhẫn mà Bảo Thành đã trải nghiệm và chứng thấy rõ ràng để bồi dưỡng cho mình tinh thần nhẫn nại vượt qua tất cả. Tình thương chân thật ấy, nó đơn sơ đến mức mà không tô vẽ một sắc thái nào trong cuộc đời, chỉ nhẹ nhẹ hiển lộ như tâm người đã tới, Bảo Thành đã học được thật nhiều từ đời sống chân thật của Sư Bà như Thân giáo khắc ghi vào từng lời, từng chữ, từng nghĩa cử, từng ánh mắt, từng vòng tay. Chúng ta trong cuộc đời này, nhất định rồi sẽ phải nhìn theo những gì Đức Phật dạy để cho rõ, thuận lẽ vô thường không ai trốn được, ai cũng phải ra đi nhưng sự ra đi theo vô thường đó còn để lại trong ta điều gì? Còn để lại trong muôn người yêu thương điều gì? Đó mới là điều quan trọng mà Thế Tôn đã dạy.

Đừng thêm bớt gì nữa trong cuộc hồng trần này.

Bớt thị phi đi!

Bớt những hành động ngang trái đi!

Bớt những tư tưởng tạo ra đau khổ cho nhau đi!

Đừng thêm sự rắc rối, đừng thêm sự chia rẽ, đừng thêm muối, đừng thêm những chất mặn của cuộc đời, những chất ngọt của cuộc sống. À, mà đúng! Bảo Thành có thói quen không ăn đường chẳng ăn muối, ăn thật là nhạt, tinh chất như hương vị của đồ ăn bình thường. Ai nấu ăn cho Bảo Thành cũng phải thay đổi nhiều lắm bởi muối không ăn, đường cũng chẳng khao khát, mà ai ăn thử một lần những món ăn đó thì thấy nó lạt, nó nhạt nhưng nó đậm chất thiên nhiên. Sư Bà đã phải thay đổi cách nấu thật là nhiều, để rồi thuần thục những hương vị đơn chất, tinh khiết Bảo Thành hưởng dụng, và dần dần theo năm tháng, Sư Bà đã nấu được những món ăn chẳng thêm hương vị của cuộc đời nhưng chẳng bớt đi tinh khiết, sự thuần khiết hương vị của những phẩm vật cúng dường vốn có trong thiên nhiên.

Khi tới với nhau trong cuộc đời, bạn đừng thêm gì nữa, cũng chẳng cần phải bớt gì nữa, hãy tới với nhau là chính mình, hãy tới với nhau bằng tâm chân thật, hãy là chính mình và tới với nhau bằng chính mình bằng tâm chân thật, chỉ vậy là đã đủ, đúng với lời giáo huấn của Phật: bất tăng bất giảm để không có cấu – tịnh xâm nhập vào, để vòng sanh – diệt luân hồi, chúng ta có thể nhẹ bước ra đi như ngày rằm tháng tư, Sư Bà đã ra đi, duỗi theo ánh chiều tà, nương bóng Từ Bi nhẹ bước về Tây. Thánh chúng Di Đà nhất định đã tới, đã đón mẹ, đã đón Sư Bà đi bởi cả cuộc đời là mẹ đã hy sinh và tận tụy với tâm thuần chất người miền Nam Việt Nam, chỉ biết cười.

Chủ đề: “Đừng Thêm Bớt” như một lời sách tấn cho những người còn lại trên trần gian đang nhìn cảnh vô thường và nhận ra hồng trần vô thường như thế thì chúng ta đừng thêm bớt cho tăng trưởng cái ngã của mình để làm chi, hãy lột bỏ và trở về, trở về với sự chân thật của tự tánh Phật để chúng ta luôn biết ghi nhớ những lời giáo dưỡng của Chư Phật được hiển lộ qua những người rất gần trong cuộc đời của chúng ta như cha như mẹ, như những bậc trưởng thượng, như những người có nhân duyên và phước báu mà ta được hưởng để đi vào cuộc đời của họ. Hãy trân quý, đừng đợi đến ngày mai bởi ngày sau ấy không hẹn nhưng sẽ tới, mấy ai trong ta có phước ra đi trong ngày rằm tháng tư đâu? Bất tăng bất giảm và sống chân thật, đừng thêm đừng bớt, đó là lời của Thế Tôn.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Với lòng thành kính, chúng con nguyện Trung Thiên Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và Đức Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư Thánh Chúng Di Đà, mười phương Bồ Tát phóng quang Trí Tuệ tiếp dẫn Giác linh Ni sư Thích Bảo Hoa rời bước hồng trần, nhập cảnh Tây phương.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng con xin hồi hướng công đức đồng tu hôm nay cho Sư Bà Thích Bảo Hoa, nguyện xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts